Dòng chảy vốn 01/06/2015 09:01

Chấn chỉnh đầu tư công: Khó ngay từ… báo cáo

Việc tổng hợp thông tin về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của các bộ, cơ quan và địa phương rất khó khăn...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực trong khắc phục bất cập của đầu tư công, nhưng xem ra lực cản vẫn còn từ không ít cơ quan thực thi.


Chấn chỉnh đầu tư công: Khó ngay từ… báo cáo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

 

Vẫn dàn trải, chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa gửi một báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đến các vị đại biểu Quốc hội.

Thông tin về triển khai Luật Đầu tư công, Bộ trưởng cho biết đã tổ chức hội nghị, ban hành văn bản, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương có thể triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 ngay trong năm 2014. Nhưng, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công khi luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. 

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 và đề xuất danh mục chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, dự thảo nghị định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, Bộ trưởng viết.

Đánh giá về tồn tại, hạn chế, báo cáo này nêu rõ: trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức. 

Một số dự án được bố trí vốn thực hiện dự án nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự hoàn thành quá trình chuẩn bị đầu tư nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao.

Ngoài ra, những bất cập trong đầu tư như tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản… vẫn chưa được xử lý triệt để. 

Đáng chú ý là việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển.

Chế độ báo cáo, nhất là báo cáo kết quả thực hiện, giải ngân của một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, nên việc tổng hợp thông tin về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của các bộ, cơ quan và địa phương rất khó khăn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu một hạn chế đã rất cũ.

Tuy nhiên, sau nhận xét này lại chưa có cái tên bộ, ngành, địa phương nào cụ thể, trong khi đây là đòi hỏi của nhiều vị đại biểu khi đọc báo cáo.

Sắp đề xuất mô hình đại diện chủ sở hữu

Hoàn thiện thể chế và cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn là vấn đề được các vị đại biểu quan tâm.

Trong ba năm 2012-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai một loạt các công việc về nội dung này, báo cáo nêu.

Cụ thể, Bộ đã trình đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường của Bộ trình cũng đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Bộ đã trình Chính phủ đề án “Tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước”. 

Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu sơ kết nghị định của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp để đề xuất mô hình phù hợp, Bộ trưởng thông tin.

Với sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo báo cáo, Bộ đã tích cực tham gia thẩm định, cho ý kiến các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Đến nay, đa số các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *