Dòng chảy vốn 08/07/2018 07:34

Căng thẳng thương mại: Cẩn trọng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam xuất qua Mỹ

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, mặt hàng thép của Trung Quốc hiện đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này.

Đây là một trong những tác động tiêu cực đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra.

Nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam sẽ chịu tác động hai chiều từ căng thẳng thương mại giữa hai ông lớn, cả tích cực và tiêu cực.

Về tiêu cực, vị chuyên gia này nhận định, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam, với trị giá đầu tư khoảng 11-12 tỷ USD.

Còn với Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng thị phần xuất khẩu. Mỹ cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam, sau Trung Quốc.

"Rõ ràng khi hai quốc gia này xảy chiến tranh thương mại sẽ khiến các quyết định về thương mại, về đầu tư của hai nước thay đổi, từ đó tác động đến nền kinh tế của hai nước nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung", ông Lực nói.

Cụ thể, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, mà Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 32% nền kinh tế toàn cầu, khi Trung Quốc có vấn đề thì cả khu vực, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng. Đi theo đó là sức cầu về hàng hóa, thương mại, thiết bị sẽ giảm, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này cũng xảy ra tương tự với Mỹ.

Tiêu cực thứ hai, theo ông Lực là khi chiến tranh thương mại xảy ra, thế giới sẽ rủi ro hơn, ví như thị trường chứng khoán đã phản ứng rất mạnh trong thời gian vừa qua, khiến cho chứng khoán giảm điểm trên toàn cầu, cũng như giảm điểm ở Việt Nam.

Kéo theo thay đổi trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt gián tiếp trên sàn chứng khoán. "Chính vì thế tháng 6 vừa qua, hoạt động bán ròng nhiều hơn là mua ròng. Tất nhiên, tính từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD, cao hơn các nước khác trong khu vực, nhưng rõ ràng là cũng bị tác động từ chiến tranh thương mại", ông Lực nhận định.

Tiêu cực thứ ba được ông Lực chỉ ra là khi hai ông lớn xảy ra xung đột sẽ làm giảm thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm sức cầu của thế giới đối với Việt Nam, khiến cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một trong những tác động lớn nhất đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này là nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc.

Nguyên nhân là do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

Ngoài ra, một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn.

Ông Cấn Văn Lực cũng đưa ra quan điểm tương đồng khi nhận định, khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được sang Mỹ, một mặt họ sẽ đa dạng hóa thị trường, mặt khác họ sẽ đẩy hàng hóa dư thừa đó sang Việt Nam. Điều này đã xảy ra trong thời gian vừa qua, ví dự như sản phẩm sắt, thép, xi măng.

"Với mặt hàng thép, hiện Trung Quốc đang phải chịu thuế rất cao từ Mỹ, nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này, nên Việt Nam cần phải cẩn trọng", ông Lực nói.

Xây dựng nhiều kịch bản hơn để ứng phó

Đề cập đến tác động tích cực, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao.

Mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc dự kiến áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể tận dụng thị trường. Căng thẳng về đầu tư Mỹ -Trung Quốc cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.

Còn chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm, khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc sẽ phải thay đổi chính sách thương mại của mình và doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi thị trường của mình.

Thay vì xuất khẩu sang Mỹ như trước kia, họ sẽ phải xuất khẩu sang Canada, Mexico hoặc Việt Nam. Hoặc là Mỹ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nữa sẽ có thể nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, khi các loại hàng hóa tương đồng.

"Như vậy, khi chiến tranh thương mại xảy ra, cả Mỹ, Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ sẽ thay đổi đối tác, thị trường xuất nhập khẩu. Họ có thể tìm đến Việt Nam như một thị trường thay thế cho Trung Quốc, khi đó xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tăng lên", ông Lực cho biết.

Vị chuyên gia này cũng thừa nhận, với tình hình hiện nay, để đánh giá tổng thể tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam làm tăng hay giảm GDP bao nhiêu thì chưa có lượng hóa. Chính vì thế, ông Lực đề xuất Chính phủ cùng các Bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản khác nhau, như kịch bản xấu nhất, kịch bản trung bình sẽ như thế nào khi chiến tranh thương mại xảy ra.

"Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Đồng thời, phải phân tích chi tiết, cụ thể những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Chẳng hạn như Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng gì, và mặt hàng đó chịu tác động ra sao? Tương tự đối với Trung Quốc cũng phải làm như vậy. Phải làm từng mặt hàng một, từng lĩnh vực một có thể chịu thuế", ông Lực kiến nghị.

Song song với đó, ông Lực cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cũng phải định hướng doanh nghiệp để hỗ trợ trong việc đa dạng hóa thị trường, nhất là với các FTA vừa mới ký như với EU. Còn doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới và có phương án thay thế khi tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo Duyên Duyên
VnEconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *