Dòng chảy vốn 07/06/2015 10:16

Cảng Sài Gòn có gì hấp dẫn?

Mới đây, danh tính những doanh nghiệp muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn đã hé lộ, bao gồm Vingroup, VietinBank và VPBank.

Trong đó, riêng Vingroup đã đăng ký mua tới 80% cổ phần của Cảng Sài Gòn, số cổ phần VietinBank và VPBank muốn mua đều là 11%. Điều gì khiến Cảng Sài Gòn lại có sức hút lớn như vậy? 
 
Quy mô lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam

Tính đến 1/1/2015, tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162 tỷ đồng.  

Cảng Sài Gòn là thương cảng tổng hợp loại I có quy mô lớn nhất trong hệ thống cảng biển của Việt Nam với gần 3.000m cầu cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn và sông Cái Mép - Thị Vải.

Hoạt động bốc xếp là hoạt động chính, chiếm tới gần 70% doanh thu của lĩnh vực dịch vụ cảng và hơn 55% doanh thu toàn cảng, bao gồm doanh thu từ dịch vụ bốc xếp container và doanh thu bốc xếp hàng rời.

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Sài Gòn năm 2014 đạt 10,9 triệu tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cảng Nhà Rồng Khánh Hội và Cảng Tân Thuận là 2 cảng đóng vai trò chủ yếu và tương đương nhau về lượng hàng hóa qua cảng. 

Nợ vay không lớn

Tính đến cuối 2014, Cảng Sài Gòn đang có 322,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.542 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Hiện nay công ty sử dụng chủ yếu nợ vay dài hạn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư dài hạn, trong đó chủ yếu cho việc đầu tư vào các cảng liên doanh. Các tỷ số đo lường khả năng thanh toán khá tốt cho thấy công ty có thể đảm bảo được việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả đúng hạn.
Sở hữu quỹ đất “khủng”

Hiện doanh nghiệp đang sử dụng 1.833.217,6m2 đất đai, trong đó 557.939,4m2 đất thuê, 1.274.764,9m2 đất giao, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp là 246,5 tỷ đồng. 

Đối với đất thuê, đất doanh nghiệp sử dụng chủ yếu tại khu trung tâm TP.HCM (Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 9). 
(Click vào đây để xem chi tiết quỹ đất của Cảng Sài Gòn)
Nhưng…

Mặc dù sở hữu khá nhiều lợi thế song các cảng của công ty chỉ có khả năng tiếp các tàu có tải trọng từ 15.000 DWT - 40.000 DWT, trong đó cảng Nhà Rồng chỉ có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng tối đa 30.000 DWT.

Đặc biệt, Cảng Sài Gòn phải thực hiện chủ trương di dời, chuyển đổi công năng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch phát triển đô thị của TP.HCM. Cận kề thời điểm di dời, vị trí nằm tại trung tâm của Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và quy định cấm xe tải lưu thông trong nội đô khiến lượng hàng hóa giảm sút đáng kể. Các cảng Tân Thuận và Tân Thuận 2 chỉ được sử dụng theo hiện trạng, không được mở rộng phát triển, khó cạnh tranh với các cảng khác.

Do đó công ty đang thực hiện đầu tư khu Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước để thay thế Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. 

Sự cạnh tranh giữa các cảng tong khu vực ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các cảng trực thuộc Cảng Sài Gòn chỉ tiếp nhận hàng tổng hợp và container nội địa có lợi nhuận rất thấp, không thể thu hút các tuyến container ngoại có lợi nhuận cao bởi chính sách của các hãng tàu đều tâpj trung về Cảng Cát Lái, VICT do thuận tiện giao thông và dịch vụ hậu cần sau cảng.

Theo NGUYÊN MINH

BizLIVE

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *