Dòng chảy vốn 23/04/2015 07:19

Cần biết xấu hổ với thực trạng môi trường kinh doanh của mình

Đây là quan điểm của TS Phạm Chi Lan tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, ngày 22/4.

Sau nhiều đánh giá của các chuyên gia về môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS Phạm Chi Lan thẳng thắn: “Dù có rất nhiều đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam gần đây, nhưng bản thân tôi thấy rằng, Việt Nam rất cần biết xấu hổ với thực trạng môi trường kinh doanh của mình để tìm giải pháp cải thiện nó để phát triển”.

 

Cải cách là trách nhiệm của Chính phủ, không phải sự ban ơn

 

Cụ thể, bà Lan cho rằng, tiến trình hội nhập đang đến cửa rồi, môi trường kinh doanh của Việt Nam không thay đổi, sẽ không thể tiến lên được. “Cảm nhận về những chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay, tôi không thấy vui”- bà Lan trăn trở.

 


Bà Phạm Chi Lan (Ảnh: KT)

 

Bởi theo bà Lan, “Chính phủ đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần hiểu đó cũng chính là Chính phủ, cơ quan nhà nước đang làm cho chính mình nữa. Đó là trách nhiệm của họ với đất nước, với nhân dân. Tức là làm vì chính nhà nước, không phải chỉ cho nhân dân”.

 

Bà Lan phân tích: Thực tế lâu nay nói nhiều đến cải cách hành chính, nhưng hiện bộ máy nhà nước vẫn rất khổng lồ. Nó đang là gánh nặng cho nền kinh tế. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải đồng thời cải thiện điều này. Đơn cử, theo bà Lan, “chúng ta nói giảm giờ nộp thuế thì bộ máy cơ quan thuế phải giảm nhân sự chứ”.

 

Hơn nữa, theo bà Lan, cải thiện môi trường kinh doanh không phải Nhà nước ban ơn cho doanh nghiệp hay nhân dân mà đó chính là trách nhiệm đương nhiên của Nhà nước phải làm”.

 

Một điểm đáng lưu ý, theo bà Lan, “Việt Nam nói cải thiện môi trường kinh doanh giúp kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế. Song, hội nhập toàn cầu thì Việt Nam không thể cứ giữ đặc thù riêng của Việt Nam. Hội nhập thì phải chấp nhận sân chơi chung, khi đó cả công nghệ, hệ thống quản trị của Việt Nam phải thay đổi để có thể tham gia với sân chơi chung này. Nếu không tham gia được cách thức chung của hội nhập, Việt Nam sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi”- bà Lan cảnh báo.

 

Chỉ ra yếu kém trong thực tiễn cải cách, bà Lan cho rằng, sau 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN, vẫn đứng mãi trong nhóm 4 nước kém phát triển (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar). Đáng buồn hơn, “dù thế, Việt Nam vẫn tỏ ra thích chìa tay xin thêm hỗ trợ. Như thế là vô lý”.

 

Với thực tế này, TS Lan cho rằng, “không có cơ sở để khẳng định, khi tham gia với các đối tác khác như Mỹ, EU… mà Việt Nam có thể vượt lên để ngang bằng họ trong sân chơi chung này”.

 

Do đó, bà Lan đề nghị “Việt Nam rất cần biết xấu hổ với thực trạng môi trường kinh doanh của mình để mà cải thiện nó mà phát triển lên”.

 

Hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân

 

Một trong những điểm đáng chú ý để Việt Nam tự tin hơn trong việc tự chủ trong hoạt động kinh tế, TS Phạm Chi Lan cho là: Vai trò của DNNN vẫn còn đang rất lớn với tư cách giữ nguồn lực, mặc dù nó sẽ  co hẹp lại theo đà phát triển kinh tế thị trường. Do đó, chủ trương tái cơ cấu DNNN là đúng, nhưng cần thúc đẩy nó nhanh hơn”.

 

Để quá trình cổ phần hóa DNNN nhanh hơn, theo bà Lan, rất cần có luật về cổ phần hóa doanh nghiệp. Bởi vì, thước đo cuối cùng là DNNN phải hiệu quả hơn, nhưng đến nay chưa làm được.

 

Hơn nữa, bà Lan đề nghị, cần loại bỏ tư duy và cách hành xử kiểu “doanh nhiệp nhà nước là ưu đãi lớn hơn, ưu tiên hơn”.

 

Đề cập vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, bà Phạm Chi Lan khuyến nghị: “Chúng ta không thể mãi nói doanh nghiệp tư nhân chưa đủ khả năng, còn yếu. Hiện nhiều DNTN đã trưởng thành rồi, có doanh nghiệp đã đứng vào hàng tỷ USD trên thế giới rồi. Họ có đủ sức làm nhiều việc, trong đó có nhiều dự án lớn. Đặc biệt, nếu họ cũng nhận được ưu đãi như doanh nghiệp FDI”.

 

Vì vậy, bà Lan thắc mắc: “Tại sao chúng ta vẫn cứ phải chạy theo mời gọi doanh nghiệp FDI?” Giải thích câu hỏi này, bà Lan cho rằng, “tôi không phê phán doanh nghiệp FDI, nhất là khi họ tận dụng ưu đãi của ta để kiếm lợi. Nhưng cần lưu ý, không nên lấy ưu đãi từ nguồn thuế của dân, tài nguyên quốc gia để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. Cách làm đó là lấy của người dân nghèo chia cho nhà giàu”.

 

Trong tương lai, bà Lan đề nghị: “Cần khuyến khích những doanh nghiệp FDI có thể chuyển giao công nghệ, sáng tạo, lan tỏa sang nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đừng tiêu chí hóa mời gọi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam theo kiểu chỉ chú trọng vào vốn đầu tư”./.

 

Theo Xuân Thân
VOV
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *