Dòng chảy vốn 17/03/2014 12:39

Các nước bạn đã dừng tìm kiếm và rút khỏi vùng biển Việt Nam

FICA - Sau 8 ngày chỉ huy chiến dịch tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích, sáng nay 17/3, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN đã dành cho phóng viên Dân trí một buổi phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

Các tàu của Trung Quốc và các nước bạn đã rời Việt Nam

Thưa Trung tướng, chiều 15/3, Việt Nam chính thức công bố dừng việc tìm kiếm máy bay Malaysia trên biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước bạn trước đây được Việt Nam cho phép vào không phận và vùng biển của Việt Nam, đến giờ các nước bạn đã rút khỏi Việt Nam như thế nào?

Theo đúng logic của việc tìm kiếm cứu nạn đối với máy bay MH370 của Maylaysia bị mất tích, khi chủ nhà Malaysia thông báo việc dừng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển Đông, thì Việt Nam là nước liên quan phối hợp trong việc TKCN này đã dừng tìm kiếm và thông báo với các nước bạn rút khỏi vùng lãnh hải do Việt Nam quản lý.

Các nước bạn đã dừng tìm kiếm và rút khỏi Việt Nam
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, trả lởi phỏng vấn phóng viên báo Dân trí

Trước đó, có 3 tàu của Trung Quốc, trong đó có 2 tàu Hải cứu, một tàu Hải quân Trung Quốc vẫn nằm trên vùng biển phía Tây Nam của Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có đến nơi tiếp cận và thông báo cho phía bạn về việc dừng TKCN thì phía bạn đã rút khỏi vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam quản lý.

Trong 2 tàu Hải cứu của Trung Quốc, có một người bị thương trong khi làm nhiệm vụ TKCN, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hỏi “phía bạn có cần giúp đỡ gì không”, thì phía bạn cho biết vẫn tự lo được.

Tôi khẳng định lại lời Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói, việc cấp phép cho tàu, máy bay các nước vào tham gia TKCN trên vùng biển và không phận của Việt Nam chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tham gia TKCN, việc TKCN đã kết thúc thì phải kết thúc ngoài ra không có lý do nào khác.

Hiện chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ bình thường là giám sát mọi hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và khẳng định không còn tàu của nước bạn trong vùng biển Việt Nam.

Theo thông báo mới nhất của nhà chức trách Malaysia thì chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích được tiến hành tại một vùng biển sâu và cách xa với Việt Nam. Việt Nam có chủ động tham gia chiến dịch tìm kiếm lần này không, hoặc phía Malaysia có đề nghị Việt Nam tham gia tìm kiếm không, thưa Trung tướng?

Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn chưa nhận được chính thức một lời đề nghị nào từ phía Malaysia về việc tham gia TKCN ở khu vực mới công bố. Chúng tôi xác định thực hiện nhiệm vụ gì cũng phải theo khả năng của mình. Trong việc TKCN của Việt Nam thì lực lượng quân đội Việt Nam, phương tiện, nhân lực là lực lượng nòng cốt. Lực lượng, phương tiện tinh nhuệ, hiện đại, nhưng để đảm bảo cho vấn đề TKCN thì vẫn dựa vào ngân sách quốc phòng là chính nên có giới hạn nhất định, bởi ngân sách quốc phòng của Việt Nam không phải là lớn.

Trang bị phương tiện kỹ thuật của Việt Nam là hiện đại nhưng không phải trang bị cho lực lượng viễn chinh, cho cự ly xa. Cho nên khi làm nhiệm vụ gì cũng phải tính toán, có cơ sở khoa học.

“Việt Nam phối hợp với nước bạn tương đối tốt”

Trung tướng đánh giá thế nào về khả năng phối hợp giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam và các lực lượng của Việt Nam phối hợp với lực lượng của các nước bạn?

Cho đến giờ phút này, khi nhiệm vụ TKCN ở biển Đông đã kết thúc, tôi có thể nói rằng việc phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực có liên quan của Việt Nam là tương đối tốt. Ngay từ đầu, chúng tôi cũng đưa ra nhiệm vụ và định hướng với các nước bạn là nhiệm vụ của chúng tôi với các bạn là nhiệm vụ phối thuộc. Nghĩa là việc tìm kiếm ở khu vực của chúng tôi phụ thuộc vào sự hướng dẫn điều hành của chúng tôi.

Ở trong việc tìm kiếm này, chúng tôi xác định đề cao 2 vấn đề: Hiệu quả của việc tìm kiếm, việc phối hợp nhiều lực lượng thì hiệu quả cao hơn, nhưng nhiều lực lượng phối hợp mà không biết bố trí điều tiết sức, theo khoa học, phân phối vùng tìm kiếm, tầng độ cao tìm kiếm, theo thời gian hoạt động và năng lực của từng phương tiện thì sẽ đem lại không hiệu quả.

Chiến dịch tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đang được tiếp tục ở một vùng mới
Chiến dịch tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đang được tiếp tục ở một vùng mới

 

Vấn đề thứ 2 không thể không tính đến đó là việc đảm bảo an toàn cho chính lực lượng TKCN. Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm xương máu rất đau xót khi công cuộc tìm kiếm máy bay, hay tàu bị nạn thì tiếp tục xảy ra tai nạn. Đó là vấn đề an toàn mà chúng ta đã làm được tốt trong chiến dịch tìm kiếm vừa rồi.

Đợt tìm kiếm cứu nạn vừa rồi được Việt Nam thực hiện với quy mô lớn, hiện đại, Trung tướng rút ra được kinh nghiệm gì cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam?

Việc TKCN đối với Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên, thường niên, để đưa ra các tình huống, các nhiệm vụ cụ thể để tập luyện, trên bản đồ và thực binh xử lý các tình huống có thể xảy ra. Việc TKCN của Việt Nam cũng được phối hợp với các nước bạn trên thế giới. Việc thực hiện TKCN với một phạm vi rộng lớn trên biển thì đây là lần đầu tiên.

Thông qua việc tìm kiếm này, chúng ta đã thể hiện được sự điều hành, điều phối, chỉ huy của lực lượng TKCN của Việt Nam rất tốt. Nhưng cũng còn những bộc lộ cần phải khắc phục mà tôi cho rằng đối với bất cứ quốc gia nào khi thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ bộc lộ ra những mặt làm được và chưa làm được, và thông qua đó chúng ta phải rút kinh nghiệm.

Trong vấn đề TKCN vừa rồi, chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm vấn đề công tác hiệp đồng, chỉ huy, thông tin dự báo tình hình, tình huống có thể xảy ra để chúng ta sử dụng lực lượng phù hợp, hiệu quả nhất.

TKCN là một việc làm nhân đạo, tuy nhiên nhiều trang mạng Internet cho rằng mỗi ngày Việt Nam chi cho việc TKCN đối với máy bay Malaysia bị mất tích là 20 tỉ đồng. Trung tướng xác nhận thông tin này như thế nào?

Tôi khẳng định chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ con số nào như vậy, hiện chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo Bộ Quốc phòng, có thể là như vậy hoặc không phải vậy. Nhưng nếu nhìn quy mô phương tiện lực lượng kéo dài trong 8 ngày cả trên bộ, trên biển, trên không thì chi phí cho việc tìm kiếm là rất nhiều. Nhưng Việt Nam luôn xác định tìm kiếm được những người mất tích là quan trọng nhất. Đã có người hỏi nếu chi phí quá cao thì có làm không, tôi đã trả lời rằng: “Chúng tôi đã tính toán được khả năng mà mình có thể, đến khi nào không thể nữa thì đành phải chịu”.

Xin cám ơn Trung tướng!

Tuấn Hợp thực hiện

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *