Dòng chảy vốn 01/04/2014 09:41

Cả nước xuất siêu 1 tỷ USD: Mừng mà… lo

Trong bối cảnh kết quả thu hút vốn nước ngoài và sản xuất công nghiệp chưa hồi phục như mong muốn thì kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2014 lại đạt kết quả rất khả quan, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thật sự bù đắp cho các lĩnh vực khác vẫn đang gặp khó khăn… Nhưng câu chuyện không hẳn là bức tranh hoàn toàn sáng màu.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động xuất khẩu 3 tháng qua tiếp tục đà tăng mạnh từ cuối năm 2013 và đặt dấu ấn là tăng ngay từ đầu năm, cũng như cao hơn hẳn mức xuất khẩu của quý I năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I của cả nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ; trong khi nhập khẩu đạt 32,3 tỷ USD. Riêng trong tháng 3, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD, tăng 26% so với tháng 2. Tính chung, nền kinh tế đã xuất siêu 1 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu cao và đặc biệt hơn là diễn ra trong giai đoạn kinh tế trong nước cũng như thế giới chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, trầm lắng. Thực tế cho thấy, đây là một sự "lạ", bởi từ trước đến nay Việt Nam thường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và nhập siêu hơn là xuất siêu. 
 
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang.	Ảnh: Mai Vy
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Ảnh: Mai Vy

Cơ cấu thị trường hàng hóa xuất khẩu trong quý I cũng phù hợp và tích cực, với việc bảo đảm sự hiện diện của hàng Việt trên hầu hết những thị trường có tiềm năng lớn. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2013; tiếp theo là EU đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,5%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 30,2%; Nhật Bản 3,6 tỷ USD, tăng 17,8%.

Cần phân tích kỹ hơn để thấy rõ tác động tích cực từ thực trạng xuất siêu cũng như vấn đề đáng quan ngại hoặc ảnh hưởng tiêu cực khi giá trị nhập khẩu đang thấp hơn xuất khẩu. Trước hết, việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao đã giúp các DN, nhất là DN chuyên làm hàng xuất khẩu đứng vững trên thị trường thông qua việc giữ được bạn hàng để bảo đảm nguồn thu thường xuyên; từ đó có điều kiện tái đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Hơn thế, một khi DN xuất khẩu tốt tức là tạo ra việc làm thường xuyên cho đội ngũ nhân công, với thu nhập ổn định từ đó bảo đảm an sinh xã hội. Các chuyên gia cho rằng, xét ở tầm vĩ mô, việc DN nước ngoài tín nhiệm, sẵn sàng ký hợp đồng nhập khẩu hàng Việt là dấu hiệu rất đáng mừng bởi đó là bằng chứng họ tin tưởng đối tác và hàng hóa Việt Nam trong khi thị trường thế giới vẫn chưa hồi phục, sức mua giảm đồng thời ngày càng trở nên "khó tính". Nhờ xuất siêu mà đất nước có thêm một lượng ngoại tệ để giải quyết nhiều nhu cầu quan trọng, nhất là bảo đảm ngoại tệ dự trữ cũng như từng bước lành mạnh hóa cán cân thương mại.

Chưa hẳn đã mừng

Song, các cơ quan chức năng cũng lo ngại trước thực tế xuất siêu của quý I, với những ý kiến đánh giá rất đáng lưu ý. Trước hết, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, phải dựa vào nguồn nguyên, phụ liệu của nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu, phục vụ nhu cầu trong nước. Việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu là sự đương nhiên để duy trì định hướng về xuất khẩu nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung. Nếu nhập khẩu giảm thấp chứng tỏ một số lượng không nhỏ DN nội địa đang còn khó khăn, phải tiết giảm sản xuất nên chưa thể "đói" nguyên liệu. Đây là thực tế thể hiện rõ hiện trạng một bộ phận DN chưa "thoát đáy" để hồi phục như mong muốn. Nếu thực tế này không được cải thiện sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng tới. Mặt khác, tuy Việt Nam xuất siêu nhưng chủ yếu là do khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm vị thế áp đảo, với tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Như vậy, mức đóng góp của DN có vốn trong nước chưa thoát khỏi vị thế mờ nhạt, càng xa vời với vai trò là thành phần kinh tế quan trọng, dẫn hướng của nền kinh tế. Nói cách khác, mức độ phát triển, lợi nhuận của DN trong nước vẫn hạn chế và chưa được cải thiện trong thời gian qua.

Ngoài ra, cần có biện pháp điều chỉnh lại thực tế là kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng quan trọng đã giảm so với cùng kỳ, như: Điện tử, máy tính và linh kiện; dầu thô, gạo, cao su, than đá. Đây sẽ là bài toán đối với cấp điều hành, nhất là với từng DN nhằm duy trì kim ngạch xuất khẩu một cách bền vững. Các chuyên gia khuyến nghị, DN cần đầu tư nguồn lực để nâng cấp công tác thu thập, xử lý thông tin, dự báo thị trường thế giới để kịp thời điều chỉnh mức xuất khẩu; nhất là chủ động kết hợp giữa việc tìm kiếm bạn hàng với việc xác định thời điểm ký kết hợp đồng làm sao có lợi nhất.
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *