Dòng chảy vốn 10/02/2015 15:14

BVSC: CPI tháng 2 nhiều khả năng tăng khoảng 0,5%

FICA - Tháng Hai được dự báo sẽ là tháng cao điểm của mùa mua sắm, do vậy BVSC cho rằng mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sẽ có xu hướng tăng.

Theo báo cáo chiến lược của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số CPI MoM trong tháng 1/2015 tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chính được cho là do tác động của việc liên tiếp điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu trong khi nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng không quá đột biến. 

Sang tháng 2, giá xăng dầu khó có khả năng giảm thêm trong khi hoạt động mua sắm tăng trưởng mạnh hơn có thể khiến lạm phát tăng nhẹ. BVSC dự báo CPI tháng 2/2015 nhiều khả năng sẽ có mức tăng khoảng 0,5%. 

Cụ thể, báo cáo của BVSC cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng 12/2014 là tháng thứ ba liên tiếp CPI ở mức âm- hiện tượng chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm trở lại đây xét trong bối cảnh các tháng giáp Tết lạm phát thường có mức tăng lớn nhất trong năm. Với kết quả này, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 1/2015 so với cùng kỳ năm ngoái hiện chỉ tăng 0,94%.

Đóng góp chủ yếu giúp CPI giảm trong tháng 1 vừa qua đến từ nhóm hàng giao thông. Giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm hai đợt (22/12/2014 và 06/01/2015) đã tác động làm giá nhóm giao thông giảm mạnh ở mức 3,96%, đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas giảm từ thời điểm 01/01/2015 cũng ảnh hưởng đến CPI tháng Một năm nay.

Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có giá giảm so với tháng trước là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,09%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Còn lại các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đa phần có mức tăng không lớn (dưới 0,5%) như hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%; may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,51%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,37%.

Nhìn chung nhu cầu tăng không quá đột biến trong khi chi phí đầu vào liên tục được điều chỉnh giảm đã giúp mặt bằng giá cả giữ ở mức ổn định, không có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng dịp Lễ Tết để tăng mạnh giá bán.

Tháng Hai được dự báo sẽ là tháng cao điểm của mùa mua sắm, do vậy BVSC cho rằng mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sẽ có xu hướng tăng. Tuy nhiên, với diễn biến bật tăng của giá dầu thô thế giới gần đây (hồi phục khoảng 15% so với mức đáy) thì mặt hàng xăng dầu trong nước khó có khả năng được điều chỉnh giảm tiếp trong tháng này. Do vậy, hiệu ứng giảm từ nhóm hàng giao thông sẽ không còn tác động nhiều vào CPI chung như ba tháng trước. 

Ngoài ra, báo cáo của BVSC cũng cho biết, trong tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 12,9 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 35,5% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi Tết Nguyên Đán năm ngoái rơi trọn vào tháng Một nên hoạt động nhập khẩu suy giảm). Nhập siêu trong tháng 1 ước đạt 500 triệu USD, giảm hơn 50% so với mức 1,2 tỷ USD nhập siêu trong tháng 12/2014. 

Như vậy đây đã là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu. Tuy vậy, BVSC kỳ vọng hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khi nhu cầu nhập khẩu giảm bớt trong khi xuất khẩu lấy lại đà tăng tốc nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.

Theo BVSC, nhìn chung, các cấu thành của tổng cầu trong tháng 1/2015 phản ánh rõ những tác động của dịp Tết Nguyên Đán khi doanh số bán lẻ gia tăng và nhập siêu duy trì tháng thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng có sự thoái lui nhẹ so với tháng 12/2014. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu tháng 2/2015 khi Tết Nguyên Đán tới gần. 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *