Dòng chảy vốn 16/02/2014 10:16

Bội thực đầu tư xây nhà máy bia

Năm qua, cho dù nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, thì lĩnh vực sản xuất bia vẫn liên tục phát triển với hàng loạt dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Phía Nam, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đầu tư 24 dự án ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã có 20 dự án nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hiện có hơn 1,8 tỷ lít bia. Năm nay, doanh nghiệp vẫn dự kiến đầu tư thêm 3 dự án mới.

Phía Bắc, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có 14 nhà máy khắp miền Bắc, miền Trung như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình... tổng công suất lên khoảng 811 triệu lít bia/năm.

Chưa kể, tại các địa phương này, rất nhiều nhà máy bia đua nhau mọc lên, thậm chí một số tỉnh, thành có tới 2 thương hiệu bia. Đó là chưa kể những lò bia tươi sản xuất tại các thành phố lớn như Hà Nội có bia Legend, bia Việt Tiệp...

Thị trường bia đang là miếng bánh béo bở thu hút các nhà đầu tư. Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết, năm 2013, thị trường trong nước đã tiêu thụ trên 3 tỷ lít bia, tăng khoảng 10% so với năm trước đó. Mức tiêu thụ của năm 2014 cũng được dự báo sẽ tăng ít nhất trên 5% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại thị trường Việt Nam sẽ bội thực nhà máy bia, nguồn cung dư thừa, khi mà sản lượng tiêu thụ của một số nhà máy hiện vẫn còn thấp hơn năng lực sản xuất.

Vài năm trước, mặc dù Bộ Công thương sau khi phát hiện ra ngành thép bị vỡ quy hoạch đã có văn bản yêu cầu các địa phương chỉnh đốn. Tuy nhiên các địa phương đã đều xem các dự án thép như là một thành tích trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho địa phương mình nên khi thấy có nhà đầu tư muốn vào ngành thép thì mời luôn chứ không có sự lựa chọn, cân nhắc nào cả. Do đó, đến nay tổng công suất thiết kế đã gấp đôi nhu cầu thép. Thép dư thừa và có thể sẽ lại trả giá như việc đầu tư vào xi măng theo phong trào cách đây ít năm.

Lúc đó, doanh nghiệp và các địa phương đầu tư tràn lan, có đá vôi là cố gắng chạy suất lập nhà máy xi măng hoành tráng. Hệ quả, tổng công suất các nhà máy đã là khoảng 70 triệu tấn/năm (năm nay có thể trên 80 triệu tấn/năm). Trong khi lượng tiêu thụ trong nước chỉ 45-48 triệu tấn/năm. Năm 2013, ngành xi măng xuất khẩu hơn 14 triệu tấn, nhưng chỉ là để giải quyết tình trạng tồn kho, còn lời lãi chả đáng bao nhiêu so với đồng tiền bỏ ra đầu tư khi giá xi măng xuất khẩu chỉ bằng hơn nửa giá bán trong nước. Đang có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài (FDI) mua lại nhà máy sản xuất xi măng tốt của Việt Nam (như Chinfon Hải Phòng, Thăng Long tại Quảng Ninh…), bao tiêu sản phẩm để xuất về nước họ, vừa được miễn thuế xuất khẩu, VAT. Kết cục, nước họ không mất tài nguyên, không ô nhiễm mà vẫn có sản phẩm tốt, giá rẻ còn thiệt hại chỉ Việt Nam chịu.

Thực trạng “bội thực” đầu tư công đã là một trong những vấn đề “nóng” được đưa ra chất vấn tại nghị trường mới đây. Tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị cao cấp, trường đại học là không phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đã hình thành nhiều dự án đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, dẫn đến chuyện chậm tiến độ, phát sinh chi phí và gây hưởng lớn đối với đời sống xã hội.

Bội thực đầu tư là bài toán phải nhanh chóng có lời giải để tránh lãng phí tiền của.  Việc làm cấp bách là phải phân loại các dự án đầu tư, sau đó lên kế hoạch loại bỏ những dự án không khả thi, những dự án thừa. Có phương thuốc hiệu nghiệm lại trừ căn bệnh “bội thực đầu tư” thì các ngành, các địa phương mới có thể thoát khỏi nợ nần, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Theo Thiên Thanh

An ninh thủ đô

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *