Dòng chảy vốn 15/10/2014 20:34

Bộ trưởng Công thương: Đã xử nghiêm khắc vụ thi tuyển công chức

Báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, đã xử lý nghiêm khắc vụ sai phạm trong đợt thi tuyển công chức của Cục quản lý thị trường.

 
Bộ trưởng Công thương: Đã xử nghiêm khắc vụ thi tuyển công chức
Vụ lùm xùm thi tuyển công chức tại Bộ Công thương đã gây tốn nhiều giấy mực của báo chí thời gian qua.
 
Theo cáo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đợt thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường đề xảy ra lùm xùm là năm 2013. Theo đó, kết quả thi tuyển công chức tại Cục này khi đó thể hiện có nhiều người được cho là người nhà của lãnh đạo cơ quan này trúng tuyển.
 

Việc thanh tra sau đó đã chỉ ra vi phạm của cán bộ ra đề thi, bảo mật đề thi… Cụ thể, Trưởng phòng, Phó phòng Pháp chế đã có vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc bảo mật đề thi (trao đổi với 4 thí sinh tham gia thi tuyển công chức).

Kết quả thi tuyển của 3 trong số 10 thí sinh trúng tuyển đã phải hủy bỏ sau đó.

Về việc này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, lãnh đạo Bộ Công Thương đã kiên quyết chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Nội vụ…) làm rõ các tình tiết của vụ việc để từ đó có cơ sở xem xét, xử lý nghiêm và phù hợp với các quy định của pháp luật đối với tập thể và các nhân liên quan.

Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng kỷ luật công chức của Bộ, Ban cán sự đảng Bộ Công thương đã kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân vi phạm. Quyết định sau cùng của lãnh đạo Bộ là hủy bỏ kết quả đợt thi tuyển công chức của Cục Quản lý thị trường.

Về trách nhiệm cá nhân, ông Hoàng đã quyết định kỷ luật hạ bậc lương 1 Trưởng phòng và cảnh cáo đối 1 Phó Trưởng phòng của Cục Quản lý thị trường do hành vi trao đổi đáp án với thí sinh; kỷ luật khiển trách 1 Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.

Cục trưởng Cục Quản ký thị trường thì bị phê bình nghiêm khắc và hủy hết các danh hiệu thi đua khen thưởng năm 2013. Hình thức xử lý này cũng được quyết định đối với tập thể Đảng ủy và Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường.

Chuyển sang nội dung khác về việc kiểm soát giá, tăng giá bán điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo, cuối năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015. Theo đó, khung giá của giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) gồm mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh.

Ông Hoàng nhấn mạnh, giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá được duyệt này.

Bộ trưởng Công Thương cũng hữa sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 để làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, các năm vừa qua cũng như thời gian tới, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá quy định. Tuy nhiên, để ổn định giá bán điện, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là để thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.

“Trên thực tế kể từ tháng 8/2013 đến nay, giá điện đang được duy trì ổn định, không tăng” – Bộ trưởng Công thương chốt lại.

Liên quan đến những lùm xùm về việc xây biệt thự, sân tennis cho cán bộ, đưa chi phí vào giá bán điện mà Thanh tra Chính phủ kết luận sau đợt thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng viện dẫn Nghị định về quy chế quản lý tài chính của EVN mà Chính phủ đã ban hành cuối tháng 8/2014.

Theo đó, chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê, thì số tiền thu được hạch toán giảm chi phí sản xuất điện.

Người đứng đầu Bộ Công thương khẳng định, chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy điện thuê sử dụng thì không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn.

EVN phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định, theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư và các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này. EVN phải hạch toán riêng hoạt động sản xuất kinh doanh này, báo cáo nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu để thực hiện theo phương án xử lý khoản chi phí trên tại văn bản ngày 22/5/2014 của Bộ Tài chính và đã được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành các dự án nguồn điện năm 2013.

P.Thảo

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *