Dòng chảy vốn 12/12/2016 08:01

Bộ Công Thương không nhắc tới tên chủ đầu tư Hoa Sen trong quy hoạch ngành thép

Bộ Công Thương tiếp tục đưa dự án thép Cà Ná, Nghi Sơn, Dung Quất vào danh mục các dự án trong quy hoạch. Tuy nhiên, tên chủ đầu tư dự án đã không còn được nhắc tới trong dự thảo mới nhất, ví dụ như dự án Hoa Sen - Cà Ná đã được đổi thành dự án Cà Ná Ninh Thuận.


Bộ Công Thương tiếp tục đưa dự án thép Cà Ná, Nghi Sơn, Dung Quất vào danh mục các dự án trong quy hoạch.

Bộ Công Thương tiếp tục đưa dự án thép Cà Ná, Nghi Sơn, Dung Quất vào danh mục các dự án trong quy hoạch.

 

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần hai quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.

Ưu tiên doanh nghiệp trong nước, không gắn tên chủ đầu tư với dự án cụ thể

Theo bản dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra quan điểm quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

"Quy hoạch là căn cứ pháp lý để các Chủ đầu tư đề xuất dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo qui định của pháp luật về đầu tư. Các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc triển khai các dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch", dự thảo nêu.

Một số giải pháp về vốn đầu tư được nêu ra như huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước hoặc các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài đối với các dự án luyện thép quy mô phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi kèm với các tiêu chí cao hơn như: cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào công đoạn thượng nguồn, sản xuất thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, thép hình lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Đáng lưu ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương bỏ đi nội dung "tiếp tục thực hiện lâu dài và ổn định chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thép".

Phần nội dung về "dự án sản xuất thép cần được bố trí trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được các địa phương quy hoạch. Khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực" cũng đã không còn.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Công Thương cũng lưu ý đến giải pháp bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi, v.v... tại các cơ sở sản xuất gang, thép; Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất thép về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải v.v.. được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.

Về danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 vẫn có tên Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận, Thép Dung Quất – Quảng Ngãi, Thép Nghi Sơn – Thanh Hóa.

Trong đó, giai đoạn 1 của các dự án này sẽ được thực hiện từ 2016 - 2020. Các giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện đến năm 2025-2031. Riêng dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ thực hiện ba giai đoạn với tổng công suất thiết kế 32 triệu tấn/năm. Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương không đưa tên chủ đầu tư gắn với các dự án vào danh mục như dự thảo lần 1, đáng lưu ý, dự án thép Hoa Sen - Cà Ná đã được đổi tên thành dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận trong bản dự thảo lần này.

Tiếp tục bảo hộ ngành thép để phát triển

Để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép, tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hoá được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế.

Liên quan tới các dự án nằm trong quy hoạch ngành thép, tại hội thảo cuối tuần trước, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Lãnh đạo Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) gọi điện cho tôi về dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Ninh Thuận đã trình dự án thép Hoa Sen - Cà Ná lên và Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương mời chuyên gia, trong đó có tôi để lấy ý kiến thẩm định dự án này".

"Tôi phản đối dự án này từ đầu. Nói tới tái cấu trúc mà thép thì đây là ngành công nghiệp cổ điển, còn nhiều vấn đề để có thể triển khai như ai đứng sau, chưa kể các giải pháp về điện, nước", ông Mại nói tại toạ đàm.

Mới đây, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề cập việc ngành thép vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng tỉ USD mỗi năm nên không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép .

Tuy nhiên, một số người trong giới chuyên gia lại phản đối tư duy này. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Theo ông, nhập khẩu sản phẩm thép nước ngoài để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước với giá rẻ và chất lượng tốt hơn là có lợi về kinh tế cũng như môi trường.

“Nền kinh tế của chúng ta có độ mở nhờ hiệu ứng từ các FTA nên việc nhập khẩu phôi thép tăng đột biến dựa trên tính toán lợi ích là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Theo đó, không nên làm thép chỉ vì để hạn chế nhập khẩu hàng hóa, bảo hộ sản xuất trong nước bởi như vậy không có lợi có người tiêu dùng” - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nêu quan điểm.

GS Nguyễn Mại cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Theo ông Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *