Dòng chảy vốn 27/03/2018 13:21

Ba tháng, doanh nghiệp Việt "bơm" 79.000 tỷ đồng vào thị trường nhà đất

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành kinh doanh bất động sản có số vốn đăng ký mới nhiều nhất trong các ngành nghề kinh doanh, với số vốn khoảng 79.153 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng vốn, bỏ xa các lĩnh vực xây dựng, chế biến, chế tạo.

Lượng vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản tăng gấp khoảng 2 lần so với lượng vốn các doanh nghiệp (DN) đổ vào xây dựng, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, gấp gần 3 lần so với lượng vốn đổ vào ngành chế biến, chế tạo.

dự án bat dong san
 

Về trung bình số DN/số vốn, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có lượng DN tăng mạnh nhất với 9.200 DN, đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với hơn 3.600 DN, thứ 3 là chế biến, chế tạo với hơn 3.200 DN.

Tuy nhiên, nếu tính về lượng vốn/DN thì bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe máy có số vốn đăng ký ít ỏi chỉ 4,2 tỷ đồng/DN, lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân 8,8 tỷ đồng/DN; lĩnh vực xây dựng đạt tỷ lệ bình quân hơn 11 tỷ đồng/DN.

Tỷ lệ vốn/DN cao nhất thuộc về doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, 3 tháng đầu năm số DN ngành này lập mới đạt hơn 1.226 DN song số vốn đăng ký là 65 tỷ đồng/DN, cao gấp 6 lần so với mức bình quân chung của cả nước, vượt rất xa các ngành, lĩnh vực khác.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, có một hiện tượng suy giảm vốn đăng ký/DN thời gian gần đây. Cụ thể, trong tháng 3 dù số DN thành lập mới tăng nhưng lượng vốn lại giảm đi, với hơn 8.000 DN thành lập mới với số vốn đạt 81.150 tỷ đồng, tính trung bình chỉ 10 tỷ đồng/DN.

Lượng DN tăng nhẹ 2,8% song vốn đăng ký doanh nghiệp có xu hướng giảm 18%, điều này minh chứng cho nhiều DN cỡ nhỏ, siêu nhỏ được thành lập hoặc bản thân các DN tự thu hẹp hoạt động sản xuất.

Tổng thể, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 278.489 tỷ đồng, tăng 1,2% về lượng và 2,7% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/DN đạt 10,4 tỷ đồng

Về các vùng kinh tế phát triển, hiện Đông Nam bộ vẫn tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 131.781 tỷ đồng, chiếm 47,3%, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng Sông Hồng có 74.777 tỷ đồng, chiếm 26,9%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 36.088 tỷ đồng, chiếm 13,0%, Đồng bằng Sông Cửu Long có 19.644 tỷ đồng, chiếm 7,1%, Trung du và miền núi phía Bắc có 12.115 tỷ đồng, chiếm 4,4% và Tây Nguyên có 4.084 tỷ đồng, chiếm 1,5%.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *