Dòng chảy vốn 16/10/2014 16:45

Andy Ho: Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn

FICA - Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đánh giá, với mức tăng trưởng 5,8% và kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chụp ảnh cùng với các nhà đầu tư tại Hội nghị.

Ngày 16/10, Tập đoàn Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital tổ chức hội nghị thường niên các nhà đầu tư năm 2014 nhằm đánh giá những cải thiện trong môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam. 

Nền kinh tế nhìn từ cái bánh Big Mac

Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đánh giá, với mức tăng trưởng 5,8% và kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn. "Cửa hàng đầu tiên của Mcdonald tại TPHCM bán được hơn 400.000 suất trong đó là hơn 6.000 cái Big Mac ngay trong tháng đầu tiên khai trương. Sài Gòn thành công đứng thứ 2 trên thế giới trong tháng đầu tiên hoạt động sau Bắc Kinh vị trí số 1 và Matxcova số 3. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh", Andy Ho nhìn nhận.

Theo Andy Ho, qua 1 năm có thể thấy rằng tiền đồng ổn định khi chỉ tăng khoảng 1-2% so với USD, hệ thống ngân hàng đang phục hồi từ từ. Trong khi đó, GDP quý III/2014 đạt mức tăng 6,19% so với cùng kỳ, dự báo cả năm nay là 5,5-6% (mức tăng trung bình từ 2000 đến 2014 đạt 6,13%). 

Phía VinaCapital cũng cho biết, đây là Hội nghị thường niên lần thứ 9 của VinaCapital, kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 2003. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là trong năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã dành rất nhiều quan tâm cho các cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam và hiện đã có gần 20 đại diện của các tập đoàn tài chính và đầu tư quy mô lớn đăng ký tham dự các chương trình của Hội nghị của tập đoàn VinaCapital, đây là con số lớn nhất ghi nhận được từ trước đến nay trong các hoat động tương tự của tập đoàn. 

Phát biểu với các nhà đầu tư tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam là một trong 20 nước ổn định chính trị nhất trên thế giới. Trong đó, về tăng trưởng kinh tế, trong suốt 10 năm qua Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức 7-8%/năm và gần đây trong khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân 5-6%/năm và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát thấp (khoảng 6-7%). 

Về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014, Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp vị trí 68/144 quốc gia, tăng 2 bậc. Trong đó có các tiêu chí cải thiện gồm: kinh tế vĩ mô (xếp thứ 75, tăng 12 bậc), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (xếp thứ 104, tăng 9 bậc), hiệu quả hoạt động, cơ sở hạ tầng giao thông - năng lượng, mức độ công nghệ, thị trường lao động và chống tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng, tại báo cáo đầu tư thế giới năm 2014 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), dựa trên kết quả điều tra 164 Tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) lớn trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới về mức độ hẫp dẫn đầu tư, tăng 2 bậc so với năm 2013 (năm 2013 xếp thứ 11).

Vn-Index có thể lên 650 điểm vào cuối năm nay

Đánh giá về thị trường chứng khoán, ông Andy Ho cho rằng, thị trường hiện cũng đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh với mức tăng tới 26% trong 8 tháng đầu năm nay. 

"Cuối năm vừa rồi chúng tôi có ngồi xuống với nhà phân tích để tính xem Vn-Index cuối năm 2014 sẽ đến đâu, thì tính toán cho thấy là sẽ vào khoảng 580 – 600 điểm. Tuy nhiên, một tháng nay, khi gặp các nhà đầu tư để chia sẻ lại thì mọi người đều tăng hết dự đoán của họ lên 620 – 650 điểm", Andy Ho nói. 

Theo Andy Ho, nguyên nhân chủ yếu do thị trường "hưng phấn" với việc lạm phát xuống nhanh hơn dự kiến nên lãi suất, chi phí vốn giảm xuống. Theo đó, ngân hàng và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm được nhiều chi phí hoạt động và sẵn sàng bỏ tiền đầu tư nhiều hơn. 

"Đầu tư vào chứng khoán, giống như đầu tư vào căn nhà để cho thuê thì khoản đầu tư phải thu được tiền lãi cao hơn gửi ngân hàng. Ở các nước như Malaysia, Indonesia thì lãi suất ngân hàng thấp hơn Việt Nam đến 50%, khoảng 2-3% nên họ sẵn sang lấy tiền đầu tư chứng khoán. Hiện ở Việt Nam, lãi suất ngân hàng đi xuống, do đó, thiên hạ sẽ lấy tiền gửi ngân hàng đi đầu tư vào các lĩnh vực khác", CEO của VinaCapital phân tích.

Sau chứng khoán sẽ tới bất động sản 

Phân tích thêm về các cơ hội đầu tư, ông Don Lam - CEO của VinaCapital cho biết, trong tương lai, môi trường đầu tư tốt, nhà đầu tư có thể chuyển tiền từ chứng khoán sang bất động sản. Về kênh đầu tư vàng, ngày trước, nhiều nhà đầu tư quan tâm tuy nhiên hiện nay đã bớt bớt quan tâm hơn do giá vàng đang trên đà xuống và "không biết đi đến đâu" trong khi đó luật pháp cũng hạn chế giao dịch. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi lạm phát đi xuống sẽ tốt hơn cho bất động sản. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng thì họ lại gặp khó khăn do nợ xấu. Nếu nợ xấu cao thì khả năng họ cho vay nhiều thấp. Lãi suất đi xuống nhưng cho vay hạn chế cũng ảnh hưởng đến bất động sản. 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng chưa hẳn đã toàn "màu hồng". Với phân khúc căn hộ, CEO VinaCapital cho rằng giá chưa lên và cũng "chưa được tốt lắm". "Trong thời điểm này, rất nhiều dự án được tung ra, ví dụ ở Mỹ Đình. Nhưng nếu phát triển mạnh quá, giá sẽ không thể lên được. Ngoài ra, nếu nhu cầu không vượt qua cung thì cơ hội chuyển nhượng với giá cao hơn cũng khó. Do vậy, họ khó đầu tư vào lĩnh vực này", ông nói.

Còn về mảng kinh doanh khách sạn, trong nền kinh tế đang phát triển thì khách sạn nằm trong khu vực trung tâm tăng trưởng rất tốt nhưng các khách sạn còn lại mà không đúng vị trí thì cũng khó thành công. 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *