Quốc tế 04/05/2014 07:28

Hố sâu ngăn cách giàu nghèo tại Italy đang ngày càng lớn

10 người giàu nhất Italy có tài sản lên tới 75 tỷ euro, tương đương với tài sản của hơn 500.000 công nhân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)



Rộng hơn nữa, gần 2.000 người Italy có tên trong danh sách những người giàu nhất nước, có tổng tài sản lên tới 169 tỷ euro. Đó là chưa tính đến giá trị bất động sản mà những người này đang sở hữu.

Chỉ chiếm 0,003% dân số Italy, nhưng số tài sản mà những người này sở hữu tương đương với 4,5% của cả đất nước.

Đó là bức tranh toàn cảnh về sự giàu nghèo của người Italy mà Trung tâm nghiên cứu xã hội quốc gia Italy (Censis) đưa ra hôm 3/5, trong một nghiên cứu về tác động của khủng hoảng kinh tế đối với các tầng lớp Italy.

Theo báo cáo này, bất chấp khủng hoảng, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ở nước ngày ngày một lớn, do đó, khủng hoảng tác động tiêu cực hơn với người nghèo.

Censis cho biết, hiện tại tài sản của một quan chức có giá trị cao gấp 5,6 lần một người công nhân, trong khi 20 năm trước, tỷ lệ này chỉ là 3-1.

Tài sản của một người có nghề nghiệp ổn định trong giới trí thức cũng cao gấp 4,5 lần của người công nhân, tăng 0,5 lần so với cách đây hai thập kỷ.

Các điều tra dựa trên mức thu nhập của các gia đình thuộc nhiều giai tầng xã hội ở Italy của Censis cũng chỉ ra mức độ bần cùng hóa của phần đông xã hội nước ngày, nhất là những người thuộc giai cấp công nhân.

So với 12 năm trước, thu nhập hàng năm của một gia đình công nhân Italy giảm 17,9%, của những người làm việc văn phòng và các doanh nghiệp giảm 12%, nhưng của những người chủ lại tăng 1,5%.

Theo Censis, 1% người Italy trong năm 2013 có thu nhập trung bình trên 102.000 euro, gấp 10 lần mức thu nhập trung bình mà những người nộp thuế Italy đã khai cùng năm.

Báo cáo của Censis cũng cho biết, 33,3% người nghèo nhất Italy sống ở miền nam nước này, cao gấp ba lần số người ở mức nghèo khổ tại miền bắc (10,7%) và gấp đôi miền trung (15,5%).

18% số người sống ở miền nam có nguy cơ vỡ nợ, gấp đôi miền bắc và miền trung.

Những người này có nguy cơ không thể trả được các loại tiền dịch vụ công hàng tháng, từ tiền điện, nước, khí đốt hay vệ sinh. Các gia đình càng nhiều thành viên càng đứng trước nguy cơ này tăng cao.

Hiện Italy đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế dài nhất kể từ Thế chiến 2 Các thống kê cho thấy, cuộc suy thoái đã chấm dứt từ cuối năm ngoái, nhưng khủng hoảng chưa chấm dứt và các dấu hiệu hồi phục rất mong manh.

Tính cho đến hết quý 1/014, các số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy vẫn ở mức cao kỷ lục 12,7%, trong khi nợ công đang ở mức 132,7%. Do đó, áp lực về kinh tế lên các gia đình, đặc biệt là các gia đình từ trung lưu trở xuống là rất lớn.

Theo Censis, việc chính phủ Italy thông qua cải cách thuế, cho phép những người có thu nhập đến 24.000 euro không phải nộp 80 euro thuế thu nhập mỗi tháng từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay có thể giảm bớt được một phần gánh nặng đối với 10 triệu người trong diện này, đồng thời góp phần tăng chi cho các gia đình.

Chính phủ Italy ước tính, những người này sẽ chi khoảng 6,7 tỷ euro cho các nhu cầu của họ./

Theo Trương Anh Ngọc

Vietnam+

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *