Dòng chảy vốn 26/01/2014 16:14

15 ngày đầu năm, bội chi ngân sách 6.100 tỷ đồng

FICA - Trong khi phần chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 4.600 tỷ đồng trong tổng số 33.400 tỷ đồng chi NSNN nửa tháng 1/2014 thì Chính phủ cũng đã dành ra được một lượng tiền tương ứng để chi trả nợ và viện trợ.

 

Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, 15 ngày đầu tháng 1/2014, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 27.300 tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán năm.

Trong số này, thu nội địa đạt 19.000 tỷ đồng, bằng 3,5%; thu từ dầu thô 3.000 tỷ đồng, bằng 3,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 5.100 tỷ đồng, bằng 3,3%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 6.500 tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 4.300 tỷ đồng, bằng 3,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 4.600 tỷ đồng, bằng 4,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 340 tỷ đồng, bằng 2,7%.

Số liệu cũng cho thấy, ngân sách thu về từ phí, lệ phí đã đạt 220 tỷ đồng, bằng 2,1% dự toán năm. Thu thuế thu nhập cá nhân đạt mức 1.200 tỷ đồng, bằng 2,5% dự toán.

Trong khi đó, tổng số tiền ngân sách Nhà nước đã chi trong 15 ngày đầu tháng 1/2014 ước tính 33.400 tỷ đồng, bằng 3,3% dự toán năm.

Trong đó phần chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 4.600 tỷ đồng, bằng 2,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 4.500 tỷ đồng, bằng 2,8%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính 24.300 tỷ đồng, bằng 3,5%.

Có 4.600 tỷ đồng trong số này là được chi trả nợ và viện trợ, bằng 3,8% dự toán cả năm. Như vậy, mới chỉ đến 15/1/2014, bội chi ngân sách Nhà nước đã ở mức 6.100 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua phương án nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013-2014 lên 5,3% GDP (cao hơn 0,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho năm 2013 là 4,8% GDP). Qua đó, giúp Chính phủ có thêm khoảng 20.000 tỷ đồng từ bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ, đảm bảo tổng vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và Trái phiếu chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, Chính phủ cần cẩn trọng với phương án nâng trần bội chi, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát cũng như nợ công.

Vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết được những bất cập trong hiệu quả đầu tư công, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thu hồi vốn thấp. Bên cạnh đó, phải khắc phục được tình trạng chênh lệch quá lớn giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển như hiện nay.

Theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách Công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), với bức tranh tài khóa tổng thể hiện nay, Việt Nam hiện chưa cân đối được thu chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua với mức độ kể từ năm 2008 cao hơn so với những năm trước đó khi Việt Nam theo đuổi các chính sách mở rộng tài khóa nhằm tránh suy giảm kinh tế.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ là 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng gần gấp đôi lên 2,4% GDP theo thống kê của Bộ Tài chính và tăng gần gấp ba lần lên 3,8% GDP theo thống kê của IMF trong giai đoạn 2008-2012.

Tình trạng bội chi ngân sách là nghiêm trọng ngay cả khi Việt Nam hiện đang có tỉ lệ thu/GDP cao hơn so với các nước khác trong khu vực (cao hơn 1,2 lần Trung Quốc và Thái Lan; 1,5 lần của Ấn Độ, Indonesia, Philippines và 1,7 lần của Campuchia)

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *