Dòng chảy vốn 21/11/2013 19:55

"Trên 80% doanh nghiệp Nhà nước có lãi"

FICA - Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2012-2013 các DNNN đã đóng góp khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước và trên 33% GDP. Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ.

 

Trình bày trước Quốc hội chiều ngày 21/11/2013 về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2012-2013 các DNNN đã đóng góp khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước và trên 33% GDP. Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ.

Trong năm 2012, vốn chủ sở hữu tại các DNNN tăng 26% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 16,37%, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).

Thủ tướng cho biết, định hướng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty.

Một trong những phương án được đưa ra đó là đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các DNNN không cần chi phối. Song song với đó là kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 68/109 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án của 19/21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 2 tập đoàn trong ngành xây dựng và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Các Bộ đã phê duyệt 39 Đề án, các địa phương phê duyệt 10 đề án của các tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Đến ngày 04/10/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị cuối cùng trong cả nước đã trình Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hiện vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa hoàn thành phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tổng công ty nhà nước trực thuộc như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, đã có 12/14 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *