Dòng chảy vốn 22/01/2014 11:25

"Khó tìm lao động có kỹ năng phù hợp tại Việt Nam"

FICA - Mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của người lao động Việt Nam rất ấn tượng, nhiều công ty Việt Nam vẫn không tìm được đủ số lượng người lao động có kỹ năng phù hợp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lực lượng lao động có kỹ năng có ý nghĩa trọng tâm đối với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế. Trong hai thập kỷ vừa qua, các kỹ năng đọc, viết và tính toán cơ bản đã giúp cho người lao động Việt Nam dịch chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang các công việc phi nông nghiệp có năng suất cao hơn. Tiến trình này đã giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và giúp giảm nghèo.

Ngày nay, người lao động Việt Nam biết đọc tốt hơn so với người lao động ở các nước khác, kể cả những nước giàu có hơn Việt Nam. Nhìn về phía trước, một nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh sẽ đòi hỏi tăng năng suất lao động và một lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường việc làm.

Tuy nhiên, theo World Bank, mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của người lao động Việt Nam rất ấn tượng, nhiều công ty Việt Nam vẫn không tìm được đủ số lượng người lao động có kỹ năng phù hợp.

Đáng lưu ý, sự thiếu hụt kỹ năng thể hiện đặc biệt rõ ràng ở các ứng viên tìm việc làm trong các vị trí kỹ thuật, chuyên môn và quản lý, còn sự thiếu hụt lao động thường gặp phải trong các công việc đơn giản hơn.



World Bank cho rằng, người sử dụng lao động xác định những kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc là các kỹ năng quan trọng nhất. Tuy nhiên, họ cũng tìm kiếm các kỹ năng nhận thức như kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng hành vi như kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp.

Trong khi đó, các kỹ năng nhận thức và hành vi được hình thành trong những năm đầu đời và tiếp tục phát triển trong các giai đoạn tiếp theo. Các kỹ năng kỹ thuật thường được học muộn hơn ở bậc đào tạo kỹ thuật và dạy nghề,  giáo dục đại học và học trên công việc thực tế.

Do đó, World Bank khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non; xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động, sinh viên và các trường đại học và dạy nghề.

Theo đó, cần tăng cường quyền tự chủ về thể chế cho các trường đại học và các cơ sở dạy nghề và củng cố cơ chế chịu trách nhiệm giải trình trước kết quả, xác định tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng, đánh giá và xác nhận cho sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư cho đào tạo giảng viên; củng cố năng lực lãnh đạo và quản lý ở các trường đại học và các cơ sở dạy nghề để thực hiện quyền tự chủ về thể chế; và cung cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *