Dòng chảy vốn 09/10/2014 07:57

"Có tiền mà chẳng được tiêu" - bi kịch sắp chấm dứt với doanh nghiệp VN?

Đồng ý bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo nhưng các đại biểu chưa “gật đầu” với đề xuất xoá 4.800 tỉ đồng tiền phạt chậm nộp thuế cho DN.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu đề xuất miễn thuế môn bài, miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng đặc thù và ưu đãi thuế thu nhập DN cho các DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp phụ trợ.

Góp ý về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp; động viên hợp lý để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, chống chuyển giá, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

 
Ông Hiền cũng đề nghị Chính phủ làm báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật một cách toàn diện đến kinh tế-xã hội nói chung, cũng như thu nhập, việc làm, đời sống của người dân, đặc biệt tác động đến việc phục hồi và phát triển của hệ thống doanh nghiệp khi chính sách này có hiệu lực thi hành.
 
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại UB Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại UB Thường vụ Quốc hội.
 

Thảo luận về quy định khống chế đối với chi quảng cáo, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí chọn phương án 1 - bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại. Theo đó, DN khi thực hiện chi nếu có đủ hoá đơn chứng từ được tính trừ khi xác định chịu thuế thu nhập DN. (Phương án 2 là khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, bỏ khống chế các khoản chi khác).

Lập luận đưa ra là việc bỏ quy định khống chế tỷ lệ đối với chi phí quảng cáo sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam đồng thời, phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các bước đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, các thành viên UB Thường vụ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý chi phí cho sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong việc hạch toán chi phí quảng cáo nhằm trốn lậu thuế.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị thêm: “Chính phủ còn băn khoăn khâu kiểm soát thì nên quy định tiêu chí đối với chi phí quảng cáo và phạm vi. Như vậy vừa chống được lạm dụng tiêu cực mà vẫn đáp ứng theo được xu hướng kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc muốn bổ sung thêm một ý vào trong nội dung sửa đổi là cần tạo điều kiện để các DN trong nước xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm vì thực tế, hiện nay khi mở cửa DN trong nước đang thua thiệt, không cạnh tranh được với DN nước ngoài trong khâu quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, DN ngành bia rượu, nước giải khát.

“Nếu khống chế trần chi phí quảng cáo 15% thì DN nội không thể cạnh tranh được” – ông Phúc cảnh báo.

Ngoài vấn đề này, Bộ Tài chính còn nêu đề xuất xoá tiền phạt chậm nộp thuế cho DN. Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.

Điều kiện để được xoá nợ thuế là số nợ tiền chậm nộp thuế của DN chiếm từ 50% vốn chủ sở hữu trở lên; Tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên; DN nộp thuế phải vay vốn các tổ chức tín dụng ở mức quá 3 lần vốn chủ sở hữu trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 để hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất cao trên 20%...

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển “lắc đầu” với đề xuất này vì cho rằng, bản chất tiền này phạt do vi hạm hành chính, việc xoá nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các DN thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, thời điểm xoá trước 1/7/2013 quá rộng, trong khi luật Quản lý thuế vừa mới được thông qua không phù hợp. Do đó, đề nghị cân nhắc chỉ xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước 2008.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển giải thích, năm 2014 Quốc hội ra Nghị quyết nêu rõ không thực hiện điều chỉnh ngân sách, yêu cầu giảm thu – tăng chi. Các chính sách miễn, giảm thuế nêu trên theo Chính phủ làm ngân sách giảm thu 5.700 tỉ đồng, Quỹ phải hoàn thuế chi mất 1.300 tỉ đồng.

Tổng cộng các khoản này là gần 7.000 tỉ đồng, cộng với số tiền 4.800 tỉ đồng xoá xử phạt thuế là con số rất lớn, trong khi điều kiện hết sức khó khăn nên, cần phải cân nhắc.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với nhận định, phạm vi xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế như đề xuất của Chính phủ quá rộng. Nếu vẫn giữ ý kiến này, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung để báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới đây.

 
P.Thảo
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *