Dòng chảy vốn 24/11/2013 19:37

"Chưa nên luật hóa thưởng Tết trong thời điểm này"

Trước tình hình kinh tế không mấy khởi sắc, dự kiến tiền thưởng Tết năm nay sẽ giảm so với năm ngoái, thậm chí nhiều DN sẽ không có thưởng.



Vậy có nên có một điều luật quy định về vấn đề lương thưởng Tết để người lao động an tâm hơn sau một năm làm việc? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn bà Tống Thị Minh- Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội):

Hiện nay thưởng Tết còn nhiều bất cập, có những DN thưởng Tết gần tỉ đồng trong khi có những công chức như giáo viên gần như không có thưởng Tết. Vậy, chúng ta đã có chế tài hay luật về vấn đề thưởng Tết của các DN chưa thưa bà?

Tôi nghĩ đó không phải là thưởng Tết. Về nguyên tắc, thưởng Tết không vượt quá 30% tiền lương. Thưởng Tết cả tỷ đồng chỉ để hợp lý hoá thu nhập thôi. Trước đây, làm việc tốt thì mới được thưởng Tết, bây giờ thì hầu như ai cũng được thưởng.

Như vậy tiền ấy không có chức năng thưởng, nên biến nó thành tiền lương. Chế độ thi đua, khen thưởng đã có trong Luật Lao động về thi đua, khen thưởng.

Nhưng đúng là thưởng Tết hàng năm ra sao thì chưa được quy định cụ thể trong bất cứ luật nào khiến việc thực hiện chưa có sự thống nhất. Thậm chí, có nhiều DN để quảng bá cho DN của mình thường công bố thưởng rất cao nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Những trường hợp đó, do chưa có chế tài nên chúng ta chưa thể xử phạt họ.

Tuy nhiên, để áp việc thưởng Tết vào các quy định cứng là chuyện khó bởi điều đó liên quan tới nhiều DN. Nếu DN làm ăn hiệu quả, có lãi, họ chẳng nề hà gì. Nhưng bây giờ có quá nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản thì để thực hiện điều đó là rất khó. Chưa kể nếu áp thành luật cũng là khó với các DN có sự đầu tư của nước ngoài. Thông thường ở nước ngoài, nếu có thưởng thêm cho người lao động thì ông chủ của người lao động, người sử dụng lao động sẽ tự quyết và cũng chỉ hai bên biết với nhau thôi chứ không công khai cho mọi người.

Mới đây, có thông tin đề xuất cho rằng nên luật hóa việc thưởng Tết bằng 15 tháng lương. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, vấn đề này còn cần phải nghiên cứu thêm chứ chưa luật hóa được. Đã là luật hóa thì phải có nghiên cứu, khảo sát cụ thể để đảm bảo tính đại trà và phải phù hợp với cả hai bên: Phía người lao động và người sử dụng lao động. Bao giờ tôi cũng ủng hộ trả lương cao, nhưng theo tôi, chưa nên luật hóa việc thưởng Tết vào thời điểm này. Điều kiện mỗi đơn vị, mỗi ngành khác nhau, giờ mà luật hóa việc thưởng Tết thì sẽ thành vấn đề xã hội phức tạp.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành có thể thấy, thưởng Tết dù chưa được luật hóa song vấn đề tiền lương, tiền thưởng cho người lao động đã từng bước được chỉnh sửa, thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn.

Rõ ràng, chúng ta không thiếu các căn cứ pháp lý để bảo vệ lợi ích của người lao động khi tính lương, thưởng. Điều quan trọng là người lao động và các tổ chức đại diện cho họ sẽ vận dụng luật và đứng ra bảo vệ quyền lợi như thế nào.

Lương là phải trả đủ cho người lao động còn thưởng là tùy theo hiệu quả do hai bên thỏa thuận với nhau. Càng thưởng nhiều, Nhà nước càng khuyến khích nhưng không thể ép buộc. Nếu ép buộc thì DN lấy tiền đâu để trả.

Bà nhận định như thế nào về tình hình lương, thưởng Tết năm nay?

Các năm trước, hầu hết các DN báo cáo đều có kế hoạch thưởng, tuy nhiên hình thức thưởng lại “muôn hình vạn trạng”. Năm nay, theo ghi nhận tình hình của các DN khi tình trạng sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, chỉ lo lương đầy đủ hàng tháng cho người lao động đã là khó thì việc thưởng Tết sẽ không có sự đột biến. Thưởng Tết năm nay sẽ được phân thành 3 nhóm. Một nhóm có thể được thưởng với mức hàng trăm triệu, nhóm thứ hai thưởng trung bình và nhóm ba là không có thưởng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trung bình thưởng Tết ở cả ba nhóm đều giảm.

Thực tế, báo cáo của DN dựa trên tinh thần tự nguyện và việc thưởng Tết cũng tùy tình hình DN, không có chế tài nào buộc DN phải thưởng Tết nên Bộ cũng không thể có ý kiến gì về việc thực hiện thưởng Tết của DN. Có chăng cũng chỉ là khuyến khích các DN cố gắng đảm bảo trả đủ lương, đảm bảo ổn định công việc cho người lao động.

Hiện nay, việc thưởng Tết của người lao động phụ thuộc chủ yếu vào chủ DN chứ người lao động chưa hề có tiếng nói riêng hay sự chủ động. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?

Dù không quy định chính thức, nhưng truyền thống của người Việt là rất coi trọng Tết cổ truyền, vì vậy thưởng Tết cũng được coi là nguồn động viên cần thiết để người lao động gắn bó với nghề, gắn bó với DN. Được thưởng bao nhiêu, cách thưởng như thế nào, người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ doanh DN. Rồi chuyện thưởng Tết không công bằng khiến nhiều lao động cảm thấy chạnh lòng và thiếu được tôn trọng...

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có những chủ trương nào hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết đến Xuân về?

Hiện Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách hỗ trợ cho những lao động bị nợ lương do DN phá sản. Ở những DN vẫn còn đang hoạt động nhưng èo uột, cầm chừng thì đó lại là thỏa thuận giữa hai phía. Đặc biệt, đối với người lao động trong DN có chủ bỏ trốn và bị nợ lương nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm ứng ngân sách để trả lương cho người lao động. Và khi DN giải thể, phá sản, sẽ thanh toán nộp lại ngân sách Nhà nước, nếu đơn vị nào không đủ để trả, Nhà nước sẽ cân đối và hỗ trợ.

Đặc biệt, các DN phải công khai các khoản thu nhập, lương thưởng của người lao động và người quản lý, có công khai, minh bạch thì lương, thưởng cho người lao động mới tăng lên được.

Xin cảm ơn bà!

Theo Xuân Thảo

Báo Hải quan

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *