Dòng chảy vốn 16/05/2015 14:04

“Chính quyền phải xem DN là người bạn đồng hành của mình”

FICA - “Năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước, nhưng nhiều điểm số liên quan đến DN giảm. Điều này cho thấy cán bộ ta chưa xem DN là người bạn đồng hành trong sự phát triển kinh tế, xã hội”. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Sau khi nhận kết quả xếp hạng chỉ số PCI của Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều qua (15/5), Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì hội nghị “phân tích đánh giá chỉ số PCI của Đồng Tháp trong năm 2014” với sự có mặt đông đủ các sở ban ngành, đại diện 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng báo chí địa phương, trung ương cùng tham dự.

Đại diện Sở kế hoạch đầu tư có bài báo cáo và phân tích xung quanh chỉ số PCI của Đồng Tháp từ 2005 – 2014. Theo đó, bắt đầu năm 2013, PCI được đánh giá trên cơ sở 10 chỉ số thành phần, gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai;Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và cuối cùng là chỉ số tính cạnh tranh bình đẳng.

Trong năm 2014, Đồng Tháp có 4 chỉ số đạt điểm cao nhất, gồm: Gia nhập thị trường (9.37 điểm); Chi phí thời gian (8.45 điểm); Tính năng động (6.62 điểm); Thiết chế pháp lý (7.91 điểm). Bên cạnh đó có 3 chỉ số giảm điểm mà tình Đồng Tháp rất trăn trở, gồm: Tiếp cận đất đai, đạt 7.08 điểm, giảm 0,67 điểm; Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đạt 5.61 điểm, giảm 0.31 điểm. Chi phí không chính thức, đạt 6,69 điểm, giảm 0.86 điểm.

“Chính quyền phải xem DN là người bạn đồng hành của mình”
Lãnh đạo Đồng Tháp trăn trở trước những chỉ số giảm liên quan đến DN, nhất là chỉ số chi phí khác của DN lại tăng lên

Theo Sở kế hoạch đầu tư với chỉ số chi phí không chính thức trong năm 2013 chỉ có 49,43 doanh nghiệp phản ánh nhưng năm 2014 tăng lên 58% DN phản ánh về việc DN phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Nguyên nhân của sự tăng đột biến này là do chi phí không chính thức của DN có khả năng phải chi trả diễn ra trong mọi hoạt động của DN từ xin giấy phép đầu tư đến tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan nhà nước hoặc khi làm thủ tục hải quan; khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc giải quyết tranh chấp tại tòa.

Tuy nhiên, đại diện Sở kế hoạch đầu tư cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm chi phí không chính thức cho thấy công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế, làm giảm hiệu quả điều hành của chính quyền tỉnh và tâm lí bi quan của DN về “văn hóa chi trả hoa hồng”. Do vậy, Giám đốc sở kế hoạch đầu tư nhấn mạnh và đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng các sở ngành cần xem xét và có biện pháp chấn chỉnh vấn đề “nhạy cảm” này.

Lí giải về chỉ số đào tạo lao động tuột giảm, giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Tỉnh Đồng Tháp đã nhận trách nhiệm về mình, mặc dù trong năm qua, Sở cùng với các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp trong việc đào tạo và giới thiệu việc làm cho công nhân địa phương đến với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Giám đốc Sở này cũng mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có sự phối hợp với tỉnh tốt hơn trong thông tin nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề, vì theo ông thời gian qua khi Sở gửi 383 mẫu lấy thông tin nhu cầu sử dụng lao động và đào tạo nghề đến các DN chỉ có 16 DN phản hồi.

“Chính quyền phải xem DN là người bạn đồng hành của mình”
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thủ trưởng các cơ quan cần kiểm tra đánh giá năng lực thường xuyên của cán bộ một cửa

Tại Hội nghị các đại biểu và DN cho rằng sở dĩ một tỉnh “khuất nẻo” như Đồng Tháp có chỉ số PCI đứng thứ 2 so với cả nước đó là sự nổ lực đáng trân trọng trong đó sự thay đổi tư duy của lãnh đạo tỉnh chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, chính quyền gần dân là nhân tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề tỉnh đã “mở cửa” nhưng cấp huyện, cơ sở vẫn còn chưa chạy  theo kịp, dẫn đến chưa đồng bộ làm DN mất nhiều thời gian, gặp khó…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan – Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ, những chỉ số giảm liên quan trực tiếp đến DN nên đây là việc chúng ta cần nghiêm túc xem lại. Nhưng vấn đề cốt yếu nhất là lãnh đạo chúng ta phải xem DN là người bạn đồng hành của mình để cùng suy nghĩ cùng cảm nhận cái khó của DN rồi cùng nhau tháo gỡ; Bỏ đi cơ chế xin cho, bỏ luôn từ hỗ trợ, vì DN là bạn đồng hành… Lãnh đạo, cán bộ phải thấy được đóng góp của DN cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương là như thế nào thì lúc đó, chúng ta mới trân trọng và xem họ là người bạn đồng hành của mình được.

Riêng đồng chí Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Dương thì trăn trở, năm nay tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 2 cả nước về chỉ số xếp hạng PCI nhưng điểm số chỉ đạt 65.28/100 điểm. Số điểm còn thấp chứng tỏ DN còn nhiều băn khuân, chưa hài lòng nên thời gian tới các sở ban ngành cần cố gắng hơn nữa và UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để thành lập một phòng đặt tại ủy ban, lắng nghe ý kiến của DN và những nút thắt của DN để cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ kịp thời cho DN, không để DN nào đến Đồng Tháp mà mất đi cơ hội kinh doanh sản xuất.

Nguyễn Hành

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *