Dòng chảy vốn 25/11/2014 14:43

“Chỉ sửa Luật thôi là chưa đủ…!”

FICA - Động thái sửa đổi Luật Đầu tư, cải cách thủ tục hải quan, giảm thời gian nộp thuế của Chính phủ, bộ ngành đang được dư luận, nhất là giới đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, sửa đổi luật thôi là chưa đủ, còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút thêm vốn cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, có ba vấn đề cần sửa gấp là: cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và ưu đãi vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

 

Về cải cách thể chế, Việt Nam cần cải cách gấp đó là thủ tục thuế, hải quan, các giấy phép con trong đầu tư, kinh doanh. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện cải cách ở cấp độ vi mô hơn, những nơi thực hiện công việc cụ thể: như sở - ban - ngành, tỉnh, cục và chi cục… bởi có hiện tượng trên ban hành 1 kiểu, dưới thực hiện 1 kiểu. Tại cuộc họp UBTV Quốc hội tháng 10/2014 UB Tư pháp khẳng định, đang tồn tại hiện tượng luật, chính sách bên trên thì đúng nhưng khi áp dụng tại địa phương lại sai lệch, thậm chí không thực hiện đúng.

 

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Việc Luật Đầu tư sửa đổi chỉ cấm 6 ngành, lĩnh vực kinh doanh cho thấy cơ quan lập pháp rất lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp và có tiến bộ trong xây dựng luật. Gần đây, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước đi đầu cải cách luật Đầu tư. Từ khi ra nhập WTO, các lĩnh vực cải thiện nhanh nhất là thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, hải quan điện tử và thuế. Tuy nhiên, việc nhất thể hóa chủ chương đến hành động từ trung ương, bộ đến tỉnh, ban ngành địa phương hiện vẫn còn nghẽn. Lớn nhất chính là với con người cũ, cách làm cũ không phù hợp với cách làm mới nên nhiều cải cách chưa đạt hoặc sai, khác mục tiêu đề ra”.

 

Dẫn chứng cụ thể hơn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Tôi lấy ví dụ cải cách thời gian nộp thuế từ 537 giờ/năm hiện nay xuống còn 201 giờ/năm trong năm tới sẽ là phép thử  về điều hành. Có thực tế “bên trên” luôn đốc thúc nhưng “bên dưới” không thực hiện bởi chủ chương mới nhưng con người cũ, cách làm cũ. Khi không làm đúng, làm chậm lại đổ cho cơ chế, khách quan mà cơ chế do ai? do chính những con người ấy tạo ra”.

 

Bà Lan cảnh báo: “Trong các cam kết hội nhập với khu vực và thế giới, bên cạnh mở cửa về thương mại thì cải cách thể chế là quy định bắt buộc. Năm 2015 trở đi Việt Nam là nước có độ mở chính sách rộng nhất khu vực Châu Á, nếu không chủ động thay đổi đến lúc hội nhập Cộng đồng ASEAN hay Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì không những tụt hậu mà còn phải chịu áp đặt về hải quan, chính sách thuế của các nước lớn. Nói cách khác là chúng ta “nhập khẩu cơ chế” toàn diện về thuế, hải quan, cách quản lý, điều hành… tức là bị động mở cửa, chấp nhận rủi ro.

Ở khía cạnh cạnh tranh bình đẳng. Hiện, có nhiều tồn tại giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội, doanh nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ và doanh nghiệp cùng ngành… TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho biết: Hiện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang nắm giữ khối tài sản lớn nhưng lại là nơi chậm chuyển biến và cải tổ nhất. Bộ máy cồng kềnh, tỷ lệ sinh lời trên tài sản, lợi thế cạnh tranh thấp.

 

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Từ bộ đến địa phương đang trải chiếu hoa và thậm chí “xé rào” cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Hiệu quả trước mắt là có nhưng về dài hạn tôi chưa thấy vì ta đã có nhiều bài học xương máu. Có nhiều chuyên gia không hài lòng về việc Thái Nguyên, Bắc Ninh đề nghị Chính phủ ưu đãi thuế, thời gian thuê đất và các thủ tục đầu tư cho Samsung, Nokia, Mircosoft. Dẫu biết Samsung có cam kết đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư xây dựng 2 viện nghiên cứu và chế tạo. Nhưng việc này sẽ tạo tiền lệ “xin cho” với các tỉnh khác và khi cam kết của họ không thực hiện đúng thì giải quyết như nào?”

 

Theo bà Lan, hơn 20 năm qua chúng ta quá ưu đãi ngành công nghiệp ô tô cho nước ngoài để có được ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa như Thái Lan, Ấn Độ nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? chỉ vài %. Chúng ta cho phép rất nhiều tỉnh được mở khu công nghiệp, khu kinh tế để rồi tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, khu kinh tế na ná nhau, giống nhau khiến mất quy hoạch chiến lược ngành, vùng đến người dân mất đất sản xuất. Bài học lớn còn hiển hiện trong ngành thép, xi măng, thủy điện, thâm chí sắp tới Việt Nam sẽ là quốc gia lọc dầu… đều như vậy cả, khiến chúng ta toàn chạy đua theo quy hoạch.

 

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, TGĐ Cty Cổ phần Ô tô Vinaxuki: “Chúng tôi không khác phận “vợ lẽ” trên nước mình là mấy khi phải ăn “cơm hẩm, cháo hoa”. Quá nhiều ưu đãi cho các DN FDI trong ngành ô tô mà chúng tôi phát thèm từ chi phí thuê đất, quảng cáo khuyến mãi rồi đến vay vốn. Bốn lần đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cho tôi vay tiền nhưng rồi đi hết các ngân hàng thương mại tôi vẫn không được vay chỉ vì lý do doanh nghiệp tôi nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ. Chúng tôi là những người trực tiếp đi tìm những doanh nghiệp phụ trợ trong nước chứ ai, trong khi các DN ô tô ngoại họ nhập khẩu phần lớn linh phụ kiện từ Trung Quốc, Thái Lan lại được ưu đãi. Nhìn Nhật Bản ưu đãi cho doanh nghiệp dân tộc của họ những thập kỷ 70 – 80 mới hiểu họ chuẩn bị gì để tạo lập những tập đoàn lớn như ngày nay”.

 

Ở khía cạnh tiếp cận vốn, theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có đến 70% DNNVV không thể tiếp cận được vốn NH. Các DNNVV đang thu hẹp sản xuất, chuyển biến thành siêu nhỏ, không chính thức.

 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu: “Mặc dù không phải là đối tượng gây nên nỗi ám ảnh nợ xấu, nhưng với cách thức kinh doanh, mô hình kinh doanh của các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ tiềm ẩn nợ xấu thì việc ngân hàng “khó tính”  với họ cũng khó tránh được. Dẫu sao ngân hàng cũng là doanh nghiệp tự hạch toán độc lập. Hiện đã có Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2.000 tỷ đồng nhưng về cơ chế vay chắc chắn nhiều DN nhỏ chưa đáp ứng được, cần phải nới rộng thêm nữa”.

 

Hiện, theo nhận định của các chuyên gia, có hai điểm khiến các DN nhỏ và vừa khó vay hiện nay là. Đa phần DN nhỏ, vừa là ở nông thôn, họ không có hình thức kinh doanh hiện đại: như kế hoạch kinh doanh, kế hoạch thu hồi vốn, cam kết trả nợ… nhiều DN chỉ đặt cọc nhà xưởng, hàng hóa và sổ đỏ đất đai có giá trị chỉ vài chục triệu, trăm triệu nhưng lại vay hàng tỷ, chục tỷ đồng. Các NH không đánh giá cao nên họ cũng khó có thể cho vay.

 

Thứ hai, ngân hàng ở nông thôn và cho nông dân, thợ thủ công vay vốn đã ít lại ngày càng ít. 10 năm qua, các ngân hàng ở nông thôn nhưng chuyển hoạt động ra thành thị, thay tên, đổi họ ngày càng nhiều. Đây là quá trình thay tên đổi họ của các “ngân hàng nông thôn” lên đời thành “ngân hàng đô thị”. Họ chuyển phần lớn từ cho vay sang khu vực có lợi suất cao như bất động sản, kinh doanh tại các đô thị, thành phố lớn. Mặc dù, các NH này vẫn giữ dư địa tín dụng cho vay nông nghiệp nhưng nhiều trường hợp chỉ là các khoản cho vay đảo nợ cũ thành vốn cho vay mới, không phát sinh tín dụng.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *