Đời Sống 09/11/2013 06:50

Xuất khẩu ốc bươu vàng: Lợi bấp cập hại!

FICA - Thời gian gần đây, nông dân vùng nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ xô bắt ốc bươu vàng (OBV) bán cho thương lái để sơ chế, xuất qua Trung Quốc.

Tấp nập vớt ốc bươu vàng bán

Những ngày này đi dọc các tuyến đường từ huyện Phụng Hiệp sang Long Mỹ, Vị Thủy của tỉnh Hậu Giang sẽ bắt gặp rất nhiều người ra đồng bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái.

Gần 2 giờ chiều, bà Nguyễn Thị Thu ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đem 2 bao ốc bươu vàng ra ngay mé lộ lớn để chờ thương lái đến cân. Bà Thu cho biết: “Năm nay nước về nhiều hơn nên ốc bươu vàng cũng nhiều hơn so với mọi năm. Vùng này nước ngập mênh mông nên không làm gì được nhưng nhờ con ốc bươu vàng cũng kiếm thu nhập kha khá. Mỗi đêm tôi cùng chồng bơi xuồng khắp các cánh đồng để vớt ốc kiếm được hơn 100 kg  bán được khoảng 200 ngàn đồng, khỏe hơn nhiều so với làm thuê, làm mướn”.

 

Xuất khẩu ốc bươu vàng: Lợi bấp cập hại!

 Ở các vùng lân cận của huyện Long Mỹ, Vị Thủy, hoạt động mua bán ốc bươu vàng cũng diễn ra tấp nập. Chỉ tính riêng ở huyện Long Mỹ có khoảng 5 cơ sở lớn mỗi ngày thu mua khoảng 6 đến 7 tấn ốc thịt đã tách phần vỏ. Ông Võ Văn Kiếm ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cho biết: “Ở đây người dân bắt ốc bươu vàng về rồi luộc lấy thịt bán sẽ được giá hơn so với bán nguyên vỏ. Theo các thương lái, khi thu mua ốc bươu vàng về sẽ được phân loại, sơ chế rồi vận chuyển qua Kiên Giang hay TP. Hồ Chí Minh để bán lại cho các công ty đã đặt hàng và sau đó được xuất sang Trung Quốc.

Ngăn chặn ngay việc nuôi ốc bươu vàng

Theo nhiều nông dân, việc bắt ốc bươu vàng bán cho các cơ sở sẽ giúp người dân có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn và góp phần tiêu diệt loài động vật ngoại lai hại lúa. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân tận diệt ốc bươu vàng để góp phần bảo vệ mùa màng.

Nông dân Nguyễn Văn Nhỏ ở xã Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Người dân vùng này bắt ốc bươu vàng bán tôi thấy rất có ích vì sẽ góp phần tận diệt sinh vật ngoại lai hại lúa. Từ đó nông dân sẽ giảm chi phí trong vụ đông xuân sắp tới. Mọi năm, trung bình làm 1 ha lúa nông dân ít gì cũng tốn từ 500 đến 700 ngàn đồng tiền mua thuốc để tiêu diệt ốc bươu vàng hại lúa”.

 Ngành nông nghiệp các địa phương cũng rất khuyến khích việc tiêu diệt OBV. Tuy nhiên, sau khi tình trạng mua bán, kinh doanh ốc bươu vàng rầm rộ trong mùa nước nổi các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm ngăn chặn việc phát tán, gây nuôi loài động vật ngoại lai gây hại này.

 Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 2798/TCTS-NTTS, về việc tăng cường kiểm tra giám sát, cấm nuôi OBV. Theo đó, Sở NN&PTNT các tỉnh cần tăng cường kiểm tra giám sát việc thu gom, sơ chế ốc bươu vàng tại địa phương, kiểm tra, giám sát nghiêm việc tuân thủ các chỉ thị của nhà nước về cấm nuôi và diệt trừ ốc bươu vàng; Khuyến cáo người dân chỉ thực hiện thu gom đối với ốc bươu vàng ngoài tự nhiên, không vì lợi nhuận tức thời mà tiến hành nuôi ốc bươu vàng dưới bất cứ hình thức nào, tránh phát tán ra ngoài môi trường, gây hại cho thủy sinh vật, nuôi trồng thủy sản và mùa màng; Nghiêm cấm nuôi OBV dưới bất cứ hình thức nào.

Ngay sau khi có văn bản trên, các địa phương tiến hành rà soát, quản lý chặt việc mua bán, vận chuyển ốc bươu vàng. Ông Lê Văn Đời- PGĐ sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang- cho biết: “Vào mùa nước nổi nông dân diệt ốc bươu vàng để vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản vừa để tránh thiệt hại do loài sinh vật này gây ra trong vụ lúa đông xuân. Đây là việc làm cần thiết nhưng mấy năm nay thương lái đẩy mạnh thu mua ốc bươu vàng trong mùa nước nổi để vận chuyển, bán sang Trung Quốc rất nguy hiểm, vì nếu người dân thấy giá ốc bươu vàng cao sẽ tiến hành gây nuôi. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang quản lý chặt chẽ để tránh việc người dân thấy lợi ích trước mắt sẽ ươm dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp”.

Theo Kim Thư

Báo Công thương

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *