Đời Sống 28/08/2021 11:35

Vì sao đơn hàng đi chợ hộ vẫn tắc?

Dù các bộ phận đã nỗ lực làm việc hết sức nhưng ở một số nơi tại TPHCM, nhất là ở các địa bàn đông dân cư, mô hình đi chợ hộ đang nảy sinh trở ngại.

Đặt vài ký thịt, chỉ nhận được rau

Ngay hôm đầu tiên TPHCM triển khai đi chợ hộ vào 23/8, Trần Nguyên hào hứng khi nhận được menu đầy đủ các loại thực phẩm của phường Bến Thành, Quận 1. Nguyên cẩn thận chọn các combo rau cùng các loại thịt, trứng, cá, ước lượng đủ dùng cho một tuần. 

Đúng như lịch hẹn, chiều hôm sau, Nguyên nhận được thông báo ra đầu hẻm "vùng xanh" nhận hàng cùng các hộ dân khác. Tuy nhiên, khi đến nơi, cô hoảng hốt khi không còn bất kỳ túi hàng nào. 

Ngay lập tức gọi cho tổ đi chợ phàn nàn, Nguyên nhận được một túi hàng sau hơn 30 phút nhưng chỉ có rau, không gồm thịt, cá như đã đặt cùng lời xin lỗi. Quận 1 thuộc vùng xanh, cô đành tìm mua thêm thịt, cá từ các ứng dụng giao đồ ăn, hy vọng tìm được tài xế.

Vì sao đơn hàng đi chợ hộ vẫn tắc? - 1

Giá combo mua thực phẩm tại phường 12, quận Bình Thạnh tăng khi thay đổi nhà cung cấp (Ảnh NVCC).

Trong khi đó, Bích Phương lại chóng mặt với những thay đổi xoành xoạch của Ban quản lý Chung cư 1050, phường 12, quận Bình Thạnh. Ban đầu, Phương nhận thông báo sẽ được phát một mẫu giấy viết tay đăng ký nhu cầu mua hàng, nộp cho đại diện tầng đang sống để ban quản lý chung cư tổng hợp. 

Menu đầu tiên Phương được nhận gồm 6 loại combo với giá vừa phải từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng, cùng danh mục hàng nhu yếu phẩm khác có thể mua lẻ như gạo, gia vị, dầu gội, nước rửa tay, nước rửa chén.

Hí hửng lựa chọn cẩn thận mặt hàng phù hợp, Phương lại chưng hửng khi ban quản lý chung cư "quay xe" sau một ngày. 

"Do ủy ban không đủ nguồn nhân lực phục vụ với khối lượng đăng ký quá nhiều hàng hóa của bà con. Kính mong quý cư dân thông cảm và chia sẻ. Làm phiền quý cư dân đăng ký lại theo combo mới gửi tối nay", đại diện ban quản lý chung cư thông báo lý do và đề nghị cư dân nếu muốn đi chợ hộ chuyển sang nhắn tin trực tiếp cho ban quản lý.

Tuy nhiên, bảng giá trong menu mới do một siêu thị khác cung cấp lên tới 350.000-500.000 đồng/combo. Các loại trái cây trong menu phần lớn được nhập khẩu, thuộc hàng cao cấp với giá lên tới 700.000 đồng/combo. Nếu muốn mua một chai nước mắm, Phương phải cắn răng mua cả combo 6 loại gia vị khác nhau với giá 250.000 đồng. 

Phường quá tải

Một vài ngày đầu tiên triển khai, tổ đi chợ hộ của phường 7, quận Bình Thạnh chỉ nhận khoảng một trăm đơn hàng, tiến độ giao hàng vẫn trong khả năng xoay xở. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng của người dân trong phường nhanh chóng tăng lên 300-400 đơn hàng/ngày khi nhiều người đã hết thực phẩm dự trữ từ trước. 

"Siêu thị không soạn đơn kịp. Chúng tôi cũng phải tham gia phụ soạn hàng vì để người dân đặt tùy ý không theo combo. Trước đây thay vì đợi soạn đủ mới giao, giờ chuyển sang cuốn chiếu, cứ soạn xong vài đơn là giao luôn", Hoàng Anh, thành viên trong tổ đi chợ của phường 7 cho biết. 

Vì sao đơn hàng đi chợ hộ vẫn tắc? - 2

Anh Hồng Phát, cán bộ phường 7, quận Bình Thạnh, giao những đơn hàng cuối cùng trong ngày 27/8 (Ảnh: Hải Long).

Riêng trong ngày 27/8, phường giao được gần 400 đơn khi huy động thêm người tham gia. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu với so với khoảng 4.000 hộ cùng hơn 11.000 nhân khẩu của phường.

Mỗi ngày, điện thoại của các thành viên trong tổ đi chợ hộ reo liên tục, hết cuộc gọi đặt hàng lại đến hối giao hàng sớm. Với những đơn hàng không thể giao đúng lịch, Hoàng Anh xin lỗi, xin người dân thông cảm vì quá tải, hẹn sẽ giao hàng sớm vào ngày hôm sau. 

Ngoài việc bị phàn nàn nếu giao trễ, tổ đi chợ còn gặp chuyện bi hài. Phường công bố 2 số điện thoại cho người dân đặt hàng, có người đã gọi đặt nhưng lo lắng sợ bị sót nên gọi luôn vào số thứ hai để đặt cho chắc. 

Không kiểm tra kỹ khi chốt đơn nên đến lúc giao, tổ đi chợ tá hỏa khi thấy 2 đơn hàng giống hệt nhau từng món của cùng một nhà. May mắn, nhiều người dân dễ chịu, vẫn thanh toán, nhận hàng cả 2 đơn. Trường hợp khách hàng chỉ muốn nhận một đơn, tổ phải tự tìm cách giải quyết túi hàng còn lại.

Cuối giờ chiều 27/8, vừa giao xong đơn hàng cuối cùng trong ngày, một phụ nữ lớn tuổi ở nhà đối diện hỏi anh Hồng Phát, cán bộ phường 7, làm cách nào để đặt hàng. Lúc này, anh Phát mới đọc số điện thoại của tổ đi chợ hộ cho bà nhưng ngặt nỗi tổ dân phố này lại vừa qua lượt mua, 3 ngày sau mới được đặt hàng lại. 

Vì sao đơn hàng đi chợ hộ vẫn tắc? - 3

Ngoài lương thực, thực phẩm, nhiều địa bàn thực hiện mua hộ còn để người dân lựa chọn phần hàng thiếu (Ảnh: Hải Long).

Nhân viên siêu thị không làm hết việc

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực VinCommerce, cho biết đơn hàng online và qua điện thoại tăng mạnh từ ngày 23/8 khi TPHCM siết chặt giãn cách. Tuy nhiên, hệ thống VinMart, VinMart+ gặp nhiều khó khăn trong khâu giao hàng.

Đến ngày 26/8, 30% nhân viên hệ thống đã được Công an TPHCM cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, với số lượng hàng ngàn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng nhân viên được cấp giấy còn quá ít để đáp ứng. Công ty đề xuất nên bổ sung nhân viên bán hàng đã được tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ vào lực lượng giao hàng, giảm tải áp lực cho lực lượng quân đội.

Song song đó, công ty cũng chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với các phường, tổ dân phố, kết nối với chương trình đi chợ hộ. Tuy nhiên, một số phường cử đầu mối phối hợp tích cực nhưng không ít phường vẫn còn lúng túng khi triển khai.

Quản lý cấp cao của một hệ thống siêu thị tại TPHCM chia sẻ nút thắt lớn nhất của mô hình đi chợ hộ hiện nay là nhân lực quá mỏng. Dù các phường nỗ lực huy động tối đa về con người, kể cả tình nguyện viên, cộng thêm sự hỗ trợ của quân đội nhưng vẫn khó có thể giải quyết đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Vì sao đơn hàng đi chợ hộ vẫn tắc? - 4

Hiện tại một số người dân kịp tích trữ hàng từ cuối tuần trước có thể vẫn còn đồ ăn, trong khi các hộ khác dự kiến sẽ tăng mạnh nhu cầu đặt hàng đi chợ hộ (Ảnh: Nguyễn Quang).

Vị này phân tích một siêu thị hàng ngày có thể đón từ vài trăm đến cả nghìn lượt khách. Trong điều kiện bình thường, người dân sẽ tự lựa hàng, có thể mất 15-30 phút, bỏ vào giỏ, mang đến quầy thu ngân. Nhân viên của siêu thị chỉ có nhiệm vụ đưa hàng lên kệ và tính tiền cho khách. 

Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình đi chợ hộ, nhân viên siêu thị phải làm luôn công việc của khách hàng là lựa từng bó rau, miếng thịt, gói gia vị bỏ vào giỏ. Như vậy, khối lượng công việc tăng lên gấp cả chục lần. Kể cả khi lực lượng đi chợ hộ của phường, xã cùng tham gia, mười mấy con người khó có thể làm hết công việc của gần 1.000 khách hàng, chưa kể công đoạn giao hàng.

Với đồ khô, nhân viên siêu thị có thể chủ động lên đơn, chuẩn bị từ hôm trước. Tuy nhiên, các mặt hàng tươi (thịt, cá, rau củ) chỉ được vận chuyển đến từng điểm bán vào đầu giờ sáng, nhân viên còn phải chất hàng lên kệ nên không thể chuẩn bị trước.

Nếu một người thành thạo, nắm rõ vị trí quầy kệ trong siêu thị, rành đường xung quanh, thời gian vừa soạn hàng, vừa giao khoảng trên dưới 20 phút. Nếu làm việc liên tục, người đó có thể giao được khoảng hơn 20 đơn hàng/ngày. Nếu có 10 người như vậy, siêu thị có thể giao hơn 200 đơn hàng trong ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn như muối bỏ biển so với nhu cầu của hàng nghìn hộ dân trong một phường. 

Chiều 27/8, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc cung ứng hàng hóa theo phương án đi chợ hộ là hình thức mới dẫn đến một số đơn vị chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc thực hiện.

Trước tình hình đó, để giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân, Sở Công Thương đã phân công các đầu mối của Sở tại các địa bàn quận, huyện và cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ khi cần thiết. Nếu gặp trường hợp hàng hóa giao trễ, hư, hỏng, người dân có thể liên hệ với tổ dân phố, UBND phường, Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc các đầu mối của Sở Công Thương.

Việt Đức

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *