Đời Sống 13/12/2014 10:21

Vén màn cuộc đời một nô lệ thời hiện đại

Trong hơn 16 năm trời, Hanif Masih chỉ sống trong một lò gạch ở Pakistan và tưởng như sẽ chẳng bao giờ có thể thoát khỏi nơi đây. Tuy nhiên may mắn thay, đã có người bỏ tiền mua lại sự tự do cho Masih và nhờ đó mà anh có thể kể lại câu chuyện đời mình.

Cuộc sống dưới đáy xã hội

Trong ngày Hanif Masih được trả tự do sau khi đã có hơn nửa đời sống trong cảnh như nô lệ, chàng trai 28 tuổi này đã dấp dầu olive lên tóc. Anh muốn tóc mình bóng bẩy một chút, để bản thân trở nên đẹp đẽ hơn trong ngày trọng đại này.

Masih đứng lặng lẽ ở phần sân của lò gạch, có diện tích bằng một sân bóng đá ở Kasur, cách thành phố Lahore của Pakistan chỉ 50km, nhưng là nơi anh đã sống và làm việc trong thời gian rất dài. Masih nhìn về phía 2 người đàn ông ngồi trên ghế nhựa ở gần một cái bàn, đang hoàn tất các thủ tục sẽ thay đổi cuộc đời anh vĩnh viễn.

Dù ở chỗ 2 người này có một chiếc ghế trống, Masih vẫn chỉ lặng lẽ đứng cạnh. Sau khi đã hiểu quá rõ về vị trí của mình trong lò gạch này, anh không dám ngồi xuống ghế.

Một trong số những người đàn ông đó là Khan Yunus Fauji, chủ lò gạch đồng thời là người sở hữu cuộc đời Masih. Nhân vật còn lại là Shahzad Kamran, người hảo tâm đã bỏ tiền ra mua sự tự do cho anh. Khan, với bộ râu rậm, quần áo bẩn thỉu và một chiếc mũ len đội trên đầu, búng tay ra hiệu cho người hầu mang tới sổ kế toán, một đống hóa đơn, một chiếc thước kẻ, bút và máy tính.

 

“Ông có mang theo tiền không nhỉ? “ - Khan hỏi, giọng lạnh te. Kamran gật đầu. Người đàn ông nhỏ thó này rút ra vài tờ giấy và một cục tiền ra khỏi vali. Số tiền này trị giá 50.000 rupee (tức khoảng 478USD), được buộc lại với nhau bằng dây chun.

 Về lại căn nhà của bố mẹ anh, sau khi giành lại được sự tự do.

Kamran là sáng lập viên Vast Vision, một tổ chức từ thiện nhỏ ở Lahore đã quyên tiền để mua sự tự do cho các nô lệ hiện đại như Kamran, thông qua việc trả khoản tiền nợ đã khiến anh không thể có được sự tự do. Kamran chọn Masih, bởi tin anh vẫn còn triển vọng trong việc có cuộc sống thành công sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ.

Masih đứng sau 2 người đàn ông, không dám thở mạnh. Răng anh nghiến chặt. Anh im lặng nhìn khi Kamran kiểm đếm cục tiền, trước lúc đẩy nó sang phía Khan, người đếm lại lần nữa, bỏ tiền vào túi rồi lẩm bẩm: “Được rồi”.

Khi Khan đút tiền vào túi, nước mắt bỗng trào ra trên khóe mi Masih. Anh ôm lấy Kamran rồi vội trở lại nơi vẫn sống trong lò gạch cùng vợ và 2 con. Vẫn còn chưa hết sốc, họ cũng ôm lấy anh. Cả nhà vội vã đóng gói đồ đạc và rời khỏi lò gạch. “Tôi sẽ không bao giờ trở lại đây nữa” - Masih nói.

Những nô lệ thời hiện đại

Cho tới trước khi có lại sự tự do, Masih đã là 1 trong số 35,8 triệu nô lệ hiện đại trên toàn cầu. Theo báo cáo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu mới được công bố, nô lệ kiểu mới là những người bị ép buộc lao động nặng nhọc và không được hưởng quyền lợi như tự do đi lại và các quyền con người cơ bản. Họ còn không được trả thu nhập tương xứng và bị đe dọa bằng bạo lực.

Các chủ nhà máy, doanh nghiệp... kiếm rất nhiều tiền nhờ kiểm soát cuộc đời các nô lệ hiện đại, buộc họ phải làm nhiều công việc nặng nhọc như chặt gỗ ở rừng Amazon, thu hoạch mùa màng tại các nông trại ở Châu Phi, làm nghề mộc ở các nước Arab, lao động chân tay trên thuyền cá ở Thái Lan hoặc bán dâm trên khắp thế giới.

Nô lệ, một hiện tượng tưởng như đã biến mất cách đây nhiều năm, thực tế vẫn còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Thứ duy nhất thay đổi chỉ là mức giá. Trong khi nô lệ ở các thế kỷ trước thường có giá khoảng 4.000USD mỗi người, nô lệ ngày nay có chi phí thấp hơn nhiều. Người dân ở Ấn Độ hay Pakistan thường bị bán với giá chỉ 30 - 40 USD, theo báo cáo chỉ số nô lệ toàn cầu.

Sau Ấn Độ và Trung Quốc, Pakistan được xem là các quốc gia có nhiều người sống dưới các điều kiện như nô lệ nhất. Đất nước này có hơn 2 triệu người đang phải làm việc trong các điều kiện như Masih tại các lò gạch, nông trại, nhà máy hoặc như những người hầu. Họ được chủ lao động cho ăn và cung cấp chỗ ở, đổi lại việc bị tước mất sự tự do.

Trong một ngày tháng 12 vào năm ngoái, thời điểm Masih đã tự do, anh ngồi trên giường tại quê nhà cha mẹ ở làng Fatepur, cách Lahore không xa. Tại đây anh đã kể với phóng viên tờ Spiegel của Đức về cuộc đời nô lệ của mình.

 

Cuộc sống đó thực tế cũng bắt đầu từ chính ngôi nhà này. Cách nay 16 năm, cha mẹ Masih đã vay mượn 35.000 rupee, trị giá khoảng 340 USD từ một chủ nhà máy tên Khan. Họ muốn dùng số tiền vay và khoản tiền tiết kiệm còm cõi để mua một mảnh đất, xây một căn nhà 2 buồng ngủ.

 Theo lời Masih, cuộc sống hiện nay khổ cực, nhưng vẫn sung sướng hơn vạn lần thời kỳ anh còn là một nô lệ hiện đại.

Khan cho nhà Masih mượn tiền, nhưng yêu cầu họ tới sống và làm việc ở lò gạch cho tới khi trả hết nợ. “Cha mẹ tôi đồng ý với thỏa thuận này. Họ còn có thể làm gì khác?” - Masih nói - “Họ tưởng mình đã có thể trả nợ chỉ sau 1 hoặc 2 năm”.

Gia đình dọn tới sống trong khu sinh hoạt của người lao động ở lò gạch, thực tế là một căn nhà lều tranh vách đất chứa khoảng 50 người. Cả nhà với 2 người lớn, 5 trẻ con được bố trí ở một căn phòng có kích cỡ chỉ bằng cái chuồng ngựa.

Họ chỉ được rời khỏi khu nhà này nếu Khan cho phép. Mỗi tuần họ được 1 ngày nghỉ, bên cạnh 2 tháng trong mùa mưa, khi hoạt động của lò gạch phải tạm ngừng vì mưa quá lớn. Trong thời gian nghỉ làm, họ không được trả lương.

Nhà Masih làm việc rất chăm chỉ. Họ dậy từ 3 giờ sáng để tránh cái nắng như thiêu đốt ở Pakistan. Phụ nữ và trẻ em, có những đứa bé tới 3 tuổi, thường nhào nặn đất sét, cát, muối và nước để tạo nên một hỗn hợp làm gạch. Hỗn hợp này sẽ được đổ vào khuôn để tạo thành hình những viên gạch. Sau khi được phơi khô trong 24 giờ, những người đàn ông sẽ đưa gạch tới các lò nung. 1 ngày sau, gạch nung xong sẽ được đưa tới khu vực vận chuyển.

“Nếu 1 hoặc 2 đứa con của anh cùng làm việc, mỗi người có thể kiếm được khoảng 3.000 rupee mỗi tuần, tức khoảng gần 30USD, tùy thuộc vào việc chúng tôi có thể làm ra bao nhiêu gạch” - Masih nói - “Trong số đó, 1.000 rupee được trừ đi để trả nợ tiền vay, khiến chúng tôi còn lại khoảng 8.000 rupee 1 tháng. Số tiền này đủ để gia đình có tiền mua bánh mỳ dẹt và đậu lăng”.

Bữa ăn chẳng có chút hoa quả nào và gia đình chỉ đủ tiền để mua thịt ăn 2 lần mỗi năm, trong các ngày lễ. “Nếu có người ốm hoặc cần phải đi gặp bác sĩ, chúng tôi sẽ lại rơi trở lại nợ nần”- Masih kể về lý do khiến anh mãi không thoát khỏi cảnh nô lệ - “Nếu ai không thể làm việc, người đó sẽ không được trả lương”.

Bóc lột người yếu đuối

Bất chấp việc liên tục trả nợ, khoản tiền mà gia đình Masih nợ Khan chưa từng giảm xuống. Thực tế nó còn tăng lên do ông này định ra tỷ lệ lãi suất quá lớn và do những sự mờ ám về sổ sách, cũng như những khoản vay mới do có biến cố bất ngờ.

3 năm đã trôi qua và Masih trở thành người trưởng thành. Bởi Masih hứa sẽ làm việc cho tới khi trả hết nợ thì thôi nên cha mẹ anh, lúc này đã thành người già, được trả tự do.

 

Nhiều năm đã trôi qua và lúc nào Masih vẫn phải làm việc trong điều kiện cực khổ ở nhà máy gạch. Anh chưa từng đi học và thế giới của anh bị bó hẹp trong nhà máy cùng ngôi làng, nơi cha mẹ anh đã xây nhà riêng. Anh chưa bao giờ có cơ hội tới Islamabad, Karachi hoặc thậm chí là Lahore ở gần đó.

 Hanif Masih giờ bán chè và đi phụ giúp hàng xóm thu hoạch khoai tây để có tiền sinh sống.

Năm 22 tuổi, Masih gặp gỡ vợ tương lai Rebekka. Khi làm đám cưới, họ vay 20.000 rupee (tức 230USD) từ Khan để trả chi phí cho bữa tiệc. Thật không may, đứa con đầu lòng của họ sinh non và Rebekka phải đẻ mổ nên cặp vợ chồng phải trả thêm 30.000 rupee cho việc này. Một lần nữa, Masih phải vay tiền Khan. Đứa con thứ 2 của họ cũng phải đẻ mổ, khiến gia đình càng khó khăn hơn. “Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi đây nên đành nhắm mắt vay tiền” - Masih kể lại.

Khi được hỏi vì sao không chạy trốn, Masih mỉm cười, nói rằng danh dự không cho phép anh “xù” nợ. Thực tế thì chạy trốn chỉ là việc vô ích. “Lò gạch có đạo quân riêng. Chúng sẽ săn lùng chúng tôi, bắt nhốt và đánh đập chúng tôi. Nhiều chủ lò gạch còn mua và bán nô lệ, sẵn sàng cho đi khuất mắt những kẻ họ không ưa. Đôi khi người lao động bị đưa tới các vùng đất xa xôi. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội về nhà nữa”.

Spiegel cho biết tại nhiều nhà máy gạch ở Pakistan, người ta đã rỉ tai nhau những câu chuyện kinh hoàng về việc lao động nổi loạn hoặc đau ốm đã bị chủ lao động ném thẳng vào lò nung đang cháy. Hiếp dâm cũng thường xảy ra tại các nơi như thế, khi chủ lò gạch gần như đã kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của người lao động.

Được biết nô lệ là hoạt động bất hợp pháp ở Pakistan. Hiến pháp nước này cấm cả việc ép buộc lao động lẫn việc bắt người khác làm nô lệ. Việc cho người khác vay tiền với lãi suất cắt cổ rồi bắt họ làm việc tại nơi nào đó cho tới khi trả nợ xong cũng là trái phép.

Nhưng chẳng mấy kẻ vi phạm bị khởi tố và buộc tội, ngay cả khi có người lao động bị hiếp dâm hoặc sát hại. Nguyên nhân do phần lớn những người sử dụng nô lệ có quyền lực hoặc quan hệ với những kẻ có quyền rất lớn. Ngoài ra cảnh sát thường cầm tiền và ngó lơ khỏi các sai phạm.

Thực tế này khiến những người như Masih chỉ còn biết cầu trời khấn phật và trông chờ vào các nhà hảo tâm để thay đổi số phận.

Theo Đức Minh

Lao động

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *