Đời Sống 12/02/2014 09:49

Thu tiền triệu mỗi ngày từ nhặt đào, quất ven đường

Những ngày sau Tết nguyên đán những người chơi đào, quất ngày tết thường vứt bỏ những cây đào, quất khô héo ra đường. Ít ai biết được đây là thời điểm có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ đi nhặt rác...đào, quất.

Bỏ nghề xe ôm đi nhặt quất

Có mặt tại cầu Mai Động, mấy ngày qua nơi đây như một chợ đào, quất được những bác xe ôm trong quá trình chạy xe nhặt về bán, hàng chục cây đào quất đủ các thế, được bày bán nhộn nhịp như dịp trước tết nguyên đán.

Những cây đào ở đây được chủ nhân mới cắt bỏ những cành nhánh nhỏ, bầu đất được bọc lại để cây không bị chết khô. Còn cây quất thì quả cũng được cắt bỏ, hoặc bị rụng trong quá trình vận chuyển.
 
Được biết, những cây đào, quất được bày bán ở đây chủ yếu là những cây sau tết chúng bị khô héo, nên chủ nhà vứt ra ngoài đường để chị lao công dọn đưa về bãi rác. Ấy thế mà, đây lại là tiền của không ít người biết nắm bắt thời cơ.
 
Thu tiền triệu mỗi ngày từ nhặt đào, quất ven đường

Anh Nguyễn Văn Lỵ, quê gốc Hà Nam, hành nghề xe ôm cho biết: "Đây là năm thứ 3 tôi đi nhặt quất về bán, độ mùng 10 âm lịch đến rằm là quất, đào bị héo, hoa, quả đều rụng nên người ta vứt ra đường. Chúng tôi nhặt về bán cho các chủ trang trại trồng đào, quất là có tiền".

Anh Lỵ cho biết thêm: "Mấy ngày qua dù nhu cầu đi lại nhiều những giờ bà con ta chuộng taxi hơn cánh xe ôm chúng tôi, vì thời tiết giá lạnh. Nếu không có mấy cây rác quất này thì cả ngày không kiếm nổi vài chục. Mỗi cây quất nhỏ nhặt về bán cũng tương đương cả quốc xe ôm, mỗi ngày nhặt độ chục cây cũng có cả triệu bạc đút túi".

 
Được biết, mỗi cây đào cỡ nhỏ bằng cổ tay, ngón chân nhặt ở ngoài đường về bán cũng được từ 50 - 100.000đ. Quất thì rẻ hơn, trung bình mỗi cây nhỏ có giớ từ 30 - 70.000đ. Những cây lớn, thế đẹp thì hiếm vì chủ yếu là cây thuê nên chủ nhà không vứt bỏ mà trả lại cho chủ vườn.
 
Những cây quất lớn chủ yếu người chơi thuê nên các chủ vườn tự đi thu về vườn chăm sóc
Những cây quất lớn chủ yếu người chơi thuê nên các chủ vườn tự đi thu về vườn chăm sóc
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng khu vực cầu Mai Động đã có hàng chục người chạy xe ôm tạm thời bỏ nghề để tỏa đi các ngả đường tìm nhặt đào, quất đem bán kiếm lời.
 

Sinh viên đạp xe đi "nhặt"... tiền

Không chỉ cánh xe ôm chuyển nghề trong mấy ngày đầu xuân lạnh giá, em Trần Ngọc Tú, một sinh viên trường Bách khoa cũng ra nhập đội quân nhặt quất với phương tiện là chiếc xe đạp do em tự đạp từ Hưng Yên lên Hà Nội để đi học.

Tú cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên đến mùng 8 tết là xin bố mẹ cho ra Hà Nội sớm để kiếm tiền, mấy ngày qua, ngày nào Tú cũng đạp xe quanh các tuyến phố trong quận Hoàng Mai để nhặt quất đem bán. Địa điểm bán quất rác của Tú là các chủ vườn gần cầu Vĩnh Tuy.

"Mình cứ đạp xe trên đường, thấy nhà nào để quất ngoài vỉa hè là vào xin, nếu họ bán rẻ mình cũng mua. Có ngày mình chuyển được 5 chuyến, số tiền kiếm được ngày nhiều nhất lên đến hơn một triệu đồng" - Tú chia sẻ.

Theo kinh nghiệm 2 năm liên tiếp của Tú thì đi nhặt quất phải chọn thời điểm, phải đi vào sáng sớm hoặc chiều tối khi người dân đi làm về họ dọn nhà cửa mới để ra ngoài đường nhiều, thêm nữa cuối giờ chiều xe rác đi thu gom rác họ mới mang ra".

Chính nhờ sự nhạy bén, chớp thời cơ mà Tú đã kiếm được một khoản kha khá để đóng học phí trước khi bước vào kỳ học mới, con những bác xe ôm cũng có nguồn thu khi những ngày giá lạnh nhu cầu đi lại của người dân đã chuyển dần sang đi taxi cho ấm.

Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi có mặt tại điểm chung chuyển rác trên đường Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy) thấy chị lao công tên Nguyễn Thị Tính đang gắng sức đẩy xe rác toàn cây đào, quất cỡ nhỏ.

Theo chị Tính thì ba ngày trở lại đây sau mỗi lần thu gom rác trong các ngõ nhỏ chị đều nhặt cây đào, quất để riêng. Tối đến là ông xã đưa xe máy đến kéo đi bán tại làng đào Nhật Tân. Nhờ đó mà mỗi ngày chị có thêm vài trăm ngàn đồng từ nghề lao công.

Nhiều người khi nghe chúng tôi chia sẻ về những câu chuyện nhặt được ở phố phường Hà Nội sau Tết đều thốt lên rằng: "Đúng là ngày tết, ai cũng có thể kiếm tiền".
 
 
Theo Hoàng Bảo Yên
Lao động
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *