Đời Sống 24/03/2014 06:43

Thu tiền đi Nhật, lái sang Hàn làm việc

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định: Chưa bao giờ cấp phép cho Công ty Oozora Global (do một số người Nhật điều hành) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Sau nhiều cuộc hẹn, qua điện thoại, Trung (nhân viên Công ty Oozora Global, trụ sở chính tại Hà Nội) chốt lại: “Ngày 16-3, tôi sẽ bay vào TP.HCM, cần gì đến văn phòng công ty sẽ được tư vấn đầy đủ”. Trong vai người nhà dẫn đứa cháu tìm đường sang Nhật làm việc, chúng tôi tìm đến văn phòng của công ty này tại phòng số 501, tòa nhà Bến Thành Tourist Building (đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM) để tìm hiểu thực tế. Vừa bước vào cửa, một người đàn ông ngồi ngay lối ra vào hất hàm hỏi: “Tìm ai?”. “Tìm anh Trung” - tôi trả lời. Người này chỉ dẫn: “Cứ lên thẳng phòng không cần gõ cửa”.

 

Liên kết với… 600 công ty con!

 

Qua vài câu xã giao, Trung vào thẳng vấn đề: Có hai chương trình để sang Nhật theo diện visa lao động và visa phái cử. Visa phái cử thì được bên kia (bên Nhật) bảo lãnh, còn visa lao động thì phải làm thủ tục lao động qua cơ quan luật pháp Việt Nam, sau đó sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan luật pháp Nhật để họ hoàn thiện thủ tục. Visa lao động mất nhiều thời gian (khoảng một năm). Đi theo diện visa phái cử chỉ cần có một công ty nào đó ở Việt Nam xác nhận cử người lao động sang học tập kinh nghiệm tại Nhật. “Đi theo diện visa phái cử khi sang Nhật sẽ mất ba tháng học việc và chi phí hết 11.000 USD, còn đi theo visa lao động chậm hơn, mất 7.500 USD. Các khoản chi phí này chưa bao gồm vé máy bay” - Trung giải thích. Trong khi chi phí thực tế sang Nhật làm thực tập sinh khoảng 5.000 USD.

 

Về công việc và mức lương dự kiến khi sang Nhật, Trung cho biết nam làm xây dựng, chế tạo; nữ lắp ráp điện tử, hóa mỹ phẩm. Thời gian làm việc theo từng năm, sau hai năm sẽ lấy visa năm năm. Lương ba tháng đầu khoảng 110.000 yen (khoảng 22 triệu đồng), sau đó lương nâng lên 150.000 yen (khoảng 33 triệu đồng). “Hiện chúng tôi liên kết với khoảng 600 công ty con tại Nhật” - Trung khẳng định.

 

Về thủ tục và chi phí, Trung hướng dẫn: Ban đầu người lao động phải đóng 3.000 USD, sau khoản này công ty sẽ làm thủ tục xét hồ sơ, đánh quyết định bảo lãnh và thu tiếp 3.000 USD, sau khi ra visa rồi sẽ đóng nốt số tiền còn lại.

 


 
Những thông tin tự giới thiệu Công ty Oozora Global đưa đi chào hàng, tuyển nguồn sang Nhật theo dạng visa đầu tư (!?). Ảnh: P.ĐIỀN

 



Biên lai thu tiền trực tiếp của Công ty Oozora Global. Ảnh: P.ĐIỀN

 

Sang Nhật bằng visa đầu tư (!?)

 

Tại văn phòng Công ty Oozora Global, tình cờ chúng tôi gặp Trang, nhân viên của một công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM. Trang là một trong những đầu mối dẫn dắt một nhóm khoảng 15 người đến Công ty Oozora Global để đưa họ sang Nhật theo dạng visa đầu tư (!?) từ nhiều tháng nay.

 

Qua thăm dò, những người (quê Vĩnh Long, Bến Tre, Tây Ninh) trong nhóm do Trang dắt mối cho biết chi phí cho chuyến xuất cảnh sang Nhật mất 9.600 USD. Một số người tỏ vẻ thất vọng vì đợi hai năm nay mà chưa biết lúc nào đi. Ngược lại, một số người đã có ba năm làm thực tập sinh tại Nhật tỏ ra tự tin vì có cơ hội sang Nhật lần thứ hai.

 

Chị H., một người trong nhóm, cho biết do có quen biết nên chị đã nhờ Trang gửi đứa cháu tên là VĐL (quê Nghệ An) sang Nhật theo dạng visa đầu tư, dự kiến sẽ xuất cảnh vào cuối tháng 4. Giữa tháng 11-2013, L. cùng người nhà và Trang đến văn phòng của Công ty Oozora Global tại TP.HCM để đóng 12.000 USD tiền cọc và 2.000 USD (tạm gọi là phí ban đầu). Riêng khoản tiền 12.000 USD được bộ phận thu tiền giải thích là tiền cọc sẽ được trả lại cho người lao động. “Từ khi đóng tiền đến nay đã bốn tháng nhưng cháu tôi vẫn chưa biết mặt mũi cái visa đầu tư nó như thế nào”- chị H. than thở.

 

Do nghi ngờ về tính trung thực của visa đầu tư, chị H. đã nhiều lần liên hệ Trang xin rút lại tiền cọc và chi phí ban đầu. Năm lần bảy lượt Trang phản hồi sẽ chuyển thông tin sang Nhật thì họ mới chuyển tiền về Việt Nam để trả lại.

 

Tiền cọc không trả, lại hướng đi Hàn

 

Điều trái khoáy là ngày 16-3, đại diện của công ty này đã làm việc với anh VĐL cùng những người khác và đưa ra hướng tư vấn mới, thay vì đợi đến ngày 26-4 xuất cảnh sang Nhật. Đó là trong thời gian chờ đợi để làm visa, công ty sẽ đưa họ sang Hàn Quốc làm trong ngành lắp ráp điện tử. “Họ tư vấn một đường rồi hướng đi làm việc một nẻo nên tôi bảo đứa cháu đòi lại tiền chứ không sang Hàn Quốc. Vì không có cách gì để làm visa sang Hàn một cách nhanh chóng như vậy” - chị H. nói.

 

Anh K. - làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thông tin thêm: Cách nay khoảng năm tháng, Công ty Oozora Global có đến đặt vấn đề hợp tác tuyển lao động. Do chưa thẩm định kỹ, công ty chuẩn bị tổ chức phỏng vấn tuyển khoảng 20 lao động nhưng đến giờ chót công ty quyết định hủy cuộc phỏng vấn vì nghi ngờ tư cách pháp nhân công ty này như quy trình phỏng vấn sơ sài, không đưa ra phương án dạy tiếng Nhật, định hướng cho người lao động, trực tiếp thu tiền của người lao động…

 

 

Chưa hề cấp phép cho Công ty Oozora Global

Trong bản thông tin tự giới thiệu, Công ty Oozora Global ghi rõ chức năng hoạt động là phái cử nhân sự. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định: Đến nay Cục chưa hề cấp phép cho công ty nào có tên là Oozora Global hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nói chung và đưa lao động sang thị trường Nhật làm việc nói riêng. Ông Quỳnh đề nghị Pháp Luật TP.HCM cung cấp thông tin, hồ sơ để cơ quan này xác minh làm rõ vụ việc để người lao động không bị lợi dụng.

 

Còn bà Trần Anh Thư, Phó Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định thêm: Theo quy định, công ty có vốn đầu tư nước ngoài kể cả liên doanh trong nước đều không được hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Riêng thị trường Hàn Quốc, chỉ có Bộ LĐ-TB&XH, cụ thể là Trung tâm Lao động ngoài nước là nơi tiếp nhận và đưa lao động đi làm việc. Chưa kể hiện tại Hàn Quốc chỉ tiếp nhận lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn (trong năm 2011-2012). Cách tư vấn của nhân viên công ty này là trái quy định, cần đề nghị cơ quan công an, thanh tra lao động nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra hoạt động của họ.

 

Không có chuyện đổi visa từ ngắn hạn sang dài hạn

 

Đối với visa ngắn hạn 90 ngày buộc phải thông tin đầy đủ kế hoạch đi-về. Do đó không có chuyện làm visa ngắn hạn rồi sau đó chuyển thành visa tạm trú để ở lại Nhật làm việc dài hạn dễ dàng như vậy. Ngoài ra, những người đã từng đến Nhật làm thực tập sinh thì không thể quay lại làm việc lần hai. Nhật cũng không thu tiền cọc của thực tập sinh.

 

Riêng visa đầu tư đòi hỏi phải thông qua nhiều thủ tục do Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Nhật thẩm định mới được cấp. Mỗi loại visa có điều kiện riêng như kiến thức, tư cách chứ không thể bỏ tiền ra là được cấp. Người lao động bỏ tiền ra mong muốn sang Nhật làm việc theo dạng visa đầu tư là hoàn toàn không đúng.

 

Đại diện phòng Lãnh sự (Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam)

Theo Anh Điền

Pháp luật TPHCM

 

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *