Đời Sống 06/06/2021 07:51

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo "đất khô, người khát"

Chỉ hơn nửa năm đưa vào sử dụng, công trình đập ngăn mặn trên sông Lại Giang ở Bình Định đã góp phần đẩy lùi nỗi lo "đất khô, người khát", mở ra tiềm năng mới cho chuỗi đô thị ven sông.

Xóa nỗi lo "đất khô, người khát"

Tháng 10/2020, công trình đập ngăn mặn trên sông Lại Giang với tổng vốn đầu tư 209 tỷ đồng đi vào sử dụng và khẳng định giá trị thực của một dự án mang tầm chiến lược vì lợi ích dân sinh lâu dài.

Hàng ngàn người dân sống ven bờ và vùng hạ lưu thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vào mùa nắng nóng, nhất là xóa nỗi lo nạn xâm nhập mặn.

Đặc biệt, công trình này còn mở ra tiềm năng kinh tế lớn đầy triển vọng cho khu vực phía Nam thị xã Hoài Nhơn trong tương lai rất gần - địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh với trên 720 ha.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 1

Công trình đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Theo những bậc cao niên, thời điểm nắng nóng hàng chục năm trước, người dân sống hai bên bờ sông Lại Giang khốn khổ vì khô kiệt nguồn nước sản xuất, sinh hoạt và xâm nhập mặn.

Thế nhưng năm nay, dù mùa khô hạn, hàng nghìn ha đất sản xuất lúa vụ hè thu 2021 ở các cánh đồng xã Hoài Mỹ, phường Hoài Đức, Hoài Xuân "no" nước từ công trình đập ngăn mặn mới đưa vào sử dụng.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 2

Những năm trước, cứ vào mùa hè, dòng sông Lại Giang trơ đáy. Mùa hè năm nay, nước sông dâng đầy, trong xanh.

Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ - cho hay: "Lần đầu tiên địa phương đưa vào gieo sạ 95% diện tích giữa mùa khô. Giống như "phép màu" vậy. Mọi khó khăn trước nay được tháo gỡ hoàn toàn. Vấn đề thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, tình trạng xâm nhập mặn chỉ còn là quá khứ".

Theo ông Tuấn, khi chưa xây công trình ngăn mặn, bước vào sản xuất vụ hè-thu, bà con nông dân gặp muôn vàn khó khăn bởi nguồn nước tự nhiên trên sông Lại Giang trơ đáy.

Dù nhiều diện tích được bà con chuyển sang cây trồng cạn, song thời điểm này các năm trước, thủy triều thường dâng cao khiến hàng chục ha lúa, rau màu bị chết rụi dần.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 3

Trạm bơm nước chủ lực Định Trị được xây dựng phía trên đập ngăn mặn Lại Giang lấy nước phục vụ cho hơn 500ha diện tích sản xuất lúa tại 9/11 thôn của xã Hoài Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Thiệt (thôn An Nghiệp, xã Hoài Mỹ) chia sẻ: Trước đây cứ vào mùa hè, giếng của gia đình ông chỉ bơm vài phút là hết nước. Nước giếng bơm cũng bị nhiễm phèn, chỉ dùng tưới cây, không thể dùng ăn uống được. Đồng ruộng thì bị xâm nhập mặn, chỉ canh tác được vụ đông xuân. Vụ hè thì phải đắp bờ ngăn mặn mới có thể sản xuất nhưng cũng năng suất bấp bênh. 

"Giờ đây, không lo thiếu nước sản xuất, nguồn nước ngầm cũng cân bằng nên nước giếng trong xanh trở lại. Bà con phấn khởi nhất là không còn phải lo nước mặn xâm nhập làm chết lúa, hư hại hoa màu" - ông  Thiệt vui vẻ nói.

Nhịp sống mới bên dòng sông Lại Giang

Là địa phương nằm sát bờ Nam đầu nguồn sông Lại Giang, phường Hoài Đức có diện tích sản xuất lúa vào hàng thứ hai thị xã Hoài Nhơn với hơn 700 ha.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 4

Nhịp sống ven sông Lại Giang đang hồi sinh mạnh mẽ từ khi đập ngăn mặn đưa vào sử dụng.

Ông Trần Văn Thắm - Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Đức - nhớ lại: Hàng năm, khi bước vào vụ sản xuất lúa hè, địa phương tập trung mọi nguồn lực huy động hàng trăm ngày công nạo vét kênh mương, chống thất thoát nước. Thậm chí, thuê máy múc để nắn dòng nước ít ỏi còn lại trên sông Lại Giang tập trung về 4 trạm bơm để lấy nước. Vậy nhưng cũng không đủ nguồn nước tưới cho cây lúa và các loại hoa màu khác.

"Nay nguồn nước ngọt từ đập ngăn mặn dâng lên đến tận điểm hợp lưu giữa 2 dòng sông Kim Sơn - An Lão. "Đặc ân" này đã giải quyết dứt điểm trình trạng đất khô, người khát kéo dài suốt hàng chục năm qua" - ông Thắm khẳng định giá trị công trình đập ngăn mặn.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 5

Mỗi buổi sáng hay chiều, người dân ven sông Lại Giang có thể thư giãn dạo bộ dọc bờ sông để cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ. 

Hiện nay, dòng Lại Giang không còn trơ đáy mỗi khi mùa khô hạn đến. Những làng quê, khu dân cư bên dòng sông đã và đang dần chuyển mình theo nhịp sống đô thị. Đây thực sự là "cú hích", điểm nhấn quan trọng tạo đà cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và đô thị ven dòng sông Lại sẽ được đánh thức.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn - khẳng định: Đây là một công trình mang tầm chiến lược vì lợi ích dân sinh lâu dài đáp ứng niềm khát khao mong mỏi nhiều năm của người dân sống ven bờ và hạ lưu sông Lại Giang.

Sông Lại Giang hết cảnh xâm nhập mặn, xóa nỗi lo đất khô, người khát - 6

Hoàng hôn bình yên trên sông Lại Giang. 

Công trình không chỉ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho trên 1.000 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước ngầm cho người dân trong khu vực khai thác sử dụng; tạo lập cảnh quan môi trường sinh thái mà còn mở ra cơ hội, tiềm năng kinh tế cho các ngành nghề du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển.

"Đó cũng là mục tiêu lớn hướng tới xây dựng thị xã Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III, giai đoạn 2021-2025 và TP Hoài Nhơn trước năm 2035" - lãnh đạo chính quyền thị xã Hoài Nhơn nhấn mạnh.

Bảo Sương - Doãn Công

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *