Đời Sống 30/03/2015 07:39

Quảng Nam:Trắng tay vì lũ bất thường

Lũ về bất ngờ khiến hàng trăm hécta hoa màu của người dân dọc sông Vu Gia thuộc các xã Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Quang… (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị ngập úng, thối nhũn...

Đứt ruột nhìn vựa dưa vùi trong bùn lũ

Theo người dân, hiện tượng mưa kéo dài và xuất hiện lũ lớn từ thượng nguồn đổ về vài ngày qua là bất thường và chưa từng có trong vòng vài chục năm qua. Thôn Mỹ Thuận là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của xã Đại Nghĩa. Hy vọng vào mùa dưa chính bao nhiêu, giờ người dân lại đứt ruột bấy nhiêu. Nhiều người thậm chí còn không tin vào những gì vừa xảy ra với “nồi cơm manh áo” của mình. Đứng giữa ruộng dưa đầy bùn lũ rộng gần 1ha bên sông Vu Gia, ông Phan Văn Sỹ (thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa) bần thần, mếu máo: “Ôi trời ơi tôi không mót được một quả. Lũ xuống quá nhanh, tất cả đều bị ngấm nước thối lũn chỉ trong vài giờ. Bao công cán, giống má, phân thuốc đổ vào dưa giờ tan tành theo lũ cả”.

Tại thôn Hòa Thạnh (xã Đại Quang), hay tin một hội từ thiện tại Đà Nẵng ngỏ lời nhận bán dưa hấu giúp, nhiều người dân lật đật gom số dưa hấu vừa kịp giành giật với lũ cho lên xe tải chuyển đi. Ông Trịnh Văn Mười (thôn Hòa Thạnh, xã Đại Quang) thở dài: “Hội từ thiện họ đặt hàng 600 quả dưa, họ bảo chỉ bán giúp thôi chứ chưa nói sẽ bán được giá bao nhiêu, thôi thì cứ mừng đã, chứ chúng tôi cũng không biết bán cho ai vì thương lái chê lên chê xuống”. Ông Mười là người trồng dưa hấu nhiều nhất thôn Hoà Thạnh với hơn 1ha. Lũ về không kịp trở tay, hơn 100 triệu đồng giống má, phân bón… đổ vào vụ dưa này coi như mất trắng.

Ngoài dưa hấu, hàng trăm hécta thuốc lá, đậu, bí, bắp... của người dân các xã Đại Hồng, Đại Quang, Đại Nghĩa… cũng bị bùn non vùi lấp, úng ngập. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc - các thủy điện tích nước chứ chưa xả, nước lũ về nhanh là do lượng mưa ở thượng nguồn lớn. Thêm nữa, chính tình trạng rừng đầu nguồn bị khai thác vô tội vạ gây xói mòn dòng chảy. Nếu các năm trước 4 tiếng đồng hồ sau mưa, lũ mới về thì hôm lũ vừa qua nước về khá nhanh. “Tổng diện tích lúa, hoa màu bị hư hại trong đợt lũ này trên địa bàn là hơn 736ha, ước khoảng 37 tỉ đồng. Chúng tôi đã có báo cáo và đề nghị tỉnh hỗ trợ để người dân ổn định mùa vụ mới” - ông Mẫn nói.

Tôm chết vì mưa trái mùa

Dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng mưa lớn bất thường vài ngày qua khiến tôm thẻ chân trắng tại P. Điện Dương (thị xã Điện Bàn) chết rải rác. Nhiều hộ dân thấp thỏm, lật đật thu hoạch trước vụ. Ông Lê Văn Danh - người nuôi tôm tại địa bàn - lo lắng: “Mưa lớn mấy ngày qua, hồ tôm tôi chẳng hiểu vì sao lại chết và bỏ ăn mỗi lúc một nhiều. Dù tôm còn nhỏ, nhưng không thể kiên nhẫn thêm, vì cả gia tài mình đầu tư vào đây nên chúng tôi phải sớm thu hoạch thôi”. Tính đến ngày 29.3, đã có 5/17 hộ nuôi tôm của thị xã Điện Bàn thu hoạch vì xuất hiện tình trạng tôm bỏ ăn, chết. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NNPTNT thị xã Điện Bàn - cho biết: “Người dân quá lo lắng nên tranh thủ thu hoạch trước kỳ”.

Trong khi đó, theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, trong các ngày 24 - 28.3, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm. Ước tính thiệt hại sơ bộ do lũ gây ra đến cuối ngày 28.3 tại các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn và Nông Sơn là hơn 81 tỉ đồng. Theo đó, 130ha lúa hư hỏng hoàn toàn, 2.781ha lúa bị ngập, ngã đổ và hơn 1.559ha hoa màu bị hư hại.

Theo Nhiệt Băng - Phước Bình

Lao động

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *