Đời Sống 19/09/2018 08:28

Quảng cáo “bát nháo” thực phẩm chức năng đánh lừa người tiêu dùng

Hô biến thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh đang là chiêu trò được nhiều công ty kinh doanh mặt hàng này áp dụng. Thậm chí, một số công ty còn in hẳn công dụng “chống ung thư” vào trong sách hướng dẫn sử dụng sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng. 

Tìm kiếm trên mạng với từ khoá “thực phẩm chức năng chống ung thư” ngay lập tức cho ra hàng triệu kết quả. PV đã vào ngày link đầu tiên và thử tìm hiểu về sản phẩm King Fucoidan & Agaricus.

Tìm kiếm với từ khoá thực phẩm chức năng chống ung thư cho ra hàng rất nhiều kết quả

Tìm kiếm với từ khoá "thực phẩm chức năng chống ung thư" cho ra hàng rất nhiều kết quả

Trong vai một người nhà bệnh nhân đang cần mua thuốc, PV đã liên lạc và có được địa chỉ nơi bán sản phẩm để tới tận nơi nghe tư vấn. Lần theo địa chỉ được cung cấp là số 16, Liền kề 6A, Làng Việt Kiều Châu Âu, phường Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội), PV đã có mặt ở Công ty CP dược phẩm Cysina.

Sau khi trình bày về bệnh tình của người nhà thì nhân viên tư vấn cho biết: “Trong sản phẩm này có hai thành phần Fucoidan, chiết xuất từ tảo nâu, thứ hai là nấm Agaricus, tác dụng chính của nó là giảm tác dụng phụ khi hóa xạ trị như đau, loét, buồn nôn.”

“Thứ hai là giúp cho khối u to nhỏ lại, vì nó ngăn mạch máu hình thành xung quanh tế bào ung thư. Tác dụng chính nó là như vậy thôi! Còn người sử dụng tốt nhất là nên tham khảo thì em sẽ tặng cho anh bộ sách này anh về anh cho người nhà của anh đọc, ở trong này hết”, nhân viên tư vấn khẳng định chắc nịch.

Giá của một hộp thực phẩm chức năng King Fucoidan & Agaricusđang được công ty này bán với giá 5,6 triệu đồng, bên trong sẽ có 120 viên thuốc. Đây là một mức giá khá cao, tuy nhiên, nhân viên tư vấn cho biết, nếu mua hàng xách tay bên ngoài có một thành phần Fucoidan sẽ rẻ hơn, chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Còn sản phẩm của công ty này có thêm thành phần Agaricus. “Agaricus có chất Beta Glucan là chất chống ung thư cực mạnh. Trong quyển anh cầm là nó có đấy!”, nhân viên tư vấn nói.

Quyển sách hướng dẫn có ghi công dụng của sản phẩm

Quyển sách hướng dẫn có ghi công dụng của sản phẩm

Dường như nhận điểm bất thường, nhân viên tư vấn đã chuyển từ thái độ niềm nở sang kiểu nói chuyện khá thận trọng, nói nhỏ và bảo khách tự đọc hướng dẫn trong sách quảng cáo.

Thế nhưng sơ hở lại ở trong chính quyển sách hướng dẫn mà nhân viên tư vấn này cung cấp. Trong đó có ghi rõ, công dụng của sản phẩm King Fucoidan & Agaricuslà có tác dụng “chống ung thư”. Đây là một kiểu “thổi phồng” công dụng thực phẩm chức năng có công dụng giống như thuốc chữa bệnh.

Chỉ là thực phẩm chức năng nhưng lại có thể chống ung thư

Chỉ là thực phẩm chức năng nhưng lại có thể "chống ung thư"

Không những vậy, trong cuốn sách quảng cáo sản phẩm King Fucoidan này còn có hàng loạt thư cảm ơn, hình ảnh bình luận trên fanpage Facebook của bệnh nhân được chụp lại. Và tất cả phản hồi này đều có chung nội dung là, sau khi sử dụng sản phẩm King Fucoidan mà họ lầm tưởng là “thuốc” có tác dụng thần kỳ, chữa khỏi và thuyên giảm bệnh.

Việc quảng cáo bằng phản hồi của khách hàng là trái quy định

Việc quảng cáo bằng phản hồi của khách hàng là trái quy định

Nếu tìm kiếm thêm trên mạng thì sẽ có vô cùng nhiều các sản phẩm thực phẩm chức năng được “thổi phồng” công dụng lên như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, một sản phẩm khác chỉ được đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là An Phế Khang, nhưng lại “hùng hồn” tuyên bố là “Đặc trị 100% các bệnh viêm họng, viêm amidan mãn tính”. Không những thế, trên webside liên tục chia sẻ những phản hồi của các khách hàng đã dùng, tương tự như cách làm của King Fucoidan.

Thực phẩm chức năng này thậm chí còn cam kết đặc trị 100% các bệnh viêm họng, viêm amidan mãn tính

Thực phẩm chức năng này thậm chí còn cam kết đặc trị 100% các bệnh viêm họng, viêm amidan mãn tính

Trong khi đó, tác dụng thật của thực phẩm chức năng theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, PGS.TS Trần Đáng chỉ có 2 yếu tố: “Một là nó bổ sung các chất bị thiếu hụt. Tức là bổ sung các chất dinh dưỡng mà cơ thể đang bị nạn đói vi chất. Hai là, bổ sung các chất sinh học để tăng cường chức năng của cơ thể và để thải độc cho cơ thể. Cho nên không thể gọi nó là thuốc.”

“Một số người muốn để bán được sản phẩm, họ quảng cáo lên là sản phẩm có tác dụng chữa bệnh. Họ nhằm vào tâm lý hiện nay là nhân dân ta ở trong cộng đồng bị bệnh tật nhiều, chữa đi chữa lại từ trung ương đến địa phương không khỏi, dai dẳng. Cho nên bây giờ có một sản phẩm như thế người ta nghe được, bế tắc về mặt điều trị họ nghe thấy tin đó là họ chớp lấy thời cơ họ sẵn sàng mua sản phẩm ngay”, ông Đáng cho biết thêm.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết: “Nguyên tắc đối với TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm trước khi lưu thông ra thị trường.Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng bán hàng online các mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ý với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là lưu hành sản phẩm bất hợp pháp.”

“Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo này cũng không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên vô hình chung thành tiếp tay cho sai phạm”, ông Phong cho biết thêm.

Các hành vi quảng cáo sai quy định, thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng giống như thuốc hiện đang rất khó kiểm soát

Các hành vi quảng cáo sai quy định, thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng giống như thuốc hiện đang rất khó kiểm soát

Cục trưởng Cục ATTP cũng phải thừa nhận một thực trạng rằng, hiện nay nhiều nội dung quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội hoàn toàn là sai sự thật. Đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.

“Không chỉ quảng cáo qua mạng, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại. Trên thì họ ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra nhiều người không có kiến thức gì về dinh dưỡng, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học cũng đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn TPCN”, ông Phong cho biết thêm.

Các “chiêu trò” quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng đang hoạt động một cách bát nháo, thiếu kiểm soát. Từ việc thổi phồng công dụng, cho đến các nội dung công bố một đằng quảng cáo một nẻo đang làm méo mó thông tin, đánh lừa người tiêu dùng. Nếu những hoạt động vi phạm này chưa được kiểm soát, quản lý thì lúc ấy người tiêu dùng vẫn bị che mắt bởi những thông tin không đúng sự thật, thiệt hại về tiền bạc và sức khoẻ khó mà đo đếm được.

Thế Hưng

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *