Đời Sống 28/03/2015 10:03

Người siêu giàu VN tăng nhanh: Chuyện không lạ

"Tín hiệu nhiều người giàu không phải là xấu mà chênh lệch giàu nghèo quá lớn mới đáng lo, và đáng lo nhất là sự thiếu công bằng".

Đó là quan điểm của PGS.TS Tạ Văn Lợi - Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Khoa Thương mại & Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với Đất Việt.

 

Chênh lệch giàu nghèo là câu chuyện từ xa xưa

 

PV:-  Vừa qua, Báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, từ 116 lên 300 người. Ông có bất ngờ trước thông tin này hay không?

Theo ông, việc tăng nhanh số người siêu giàu có khiến VN được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục hay không? Vì sao?

 

PGS.TS Tạ Lợi:- Theo quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng thông tin này không có gì là bất ngờ vì trước đó có nhiều học giả kinh tế quốc tế đánh giá rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia chuyển đổi nền kinh tế sẽ có sự sắp xếp lại trật tự xã hội, đặc biệt là về kinh tế.

 

Cách mạng tháng 8 thành công, nước ta đã tiến hành cuộc cải cách ruộng đất nhằm tái cấu trúc các nguồn lực cho công bằng thì ngày nay đã và đang diễn ra cuộc cải cách tương tự cho các nguồn lực kinh tế nhưng không phải bằng quyền lực như trước đây mà là bằng nhiều cách hơn cả về công cụ kinh tế và chính trị.

Vì vậy, việc quá độ cải cách này tất yếu lại sinh ra giới người giàu lên, số lượng siêu giàu tăng nhanh không còn lạ lẫm. Tuy nhiên, có được quốc tế nể phục hay không lại phụ thuộc nhiều vào cách họ làm giàu và vị thế giàu có thuộc về lĩnh vực gì? Có hàm lượng khoa học, trí tuệ ở các sản phẩm hay lĩnh vực họ nắm giữ hay không?

PV:-  Trong khi đó, cũng theo một báo cáo mới đây, các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng rõ rệt. Nhiều người giàu hơn trong khi chênh lệch giàu nghèo càng tăng lên, điều này thể hiện điều gì, thưa ông? Đây là tín hiệu đáng mừng hay là đáng lo và vì sao?

 

PGS.TS Tạ Lợi:- Việc chênh lệch giàu nghèo là câu chuyện rất xa xưa các nhà xã hội học, triết học đã và đang tìm cách giải quyết. Quyết liệt nhất có thể thấy cuộc thanh trừng tham nhũng ở Trung Quốc nhằm phát triển xã hội bền vững.

 

Trước đó, thuyết “xã hội hài hòa” cũng nêu ra nguy cơ nguy hiểm này trong xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, việc giàu chính đáng lại đáng khuyến khích vì người giàu chính đáng đóng góp cho xã hội về thuế, tạo việc làm, ý tưởng và tài sản… nhiều hơn.

 

Vì thế, quan niệm ở Mỹ lại muốn thu hút người giàu chính đáng là rất rõ ràng, nhập cư Mỹ nếu đầu tư 500 ngàn hay triệu đô Mỹ, tạo công ăn việc làm … không khó khăn gì, họ chỉ ngăn chặn người sang di cư bất hợp pháp.

 

Nhiều người giàu lên không phải tín hiệu xấu

Nhiều người giàu lên không phải tín hiệu xấu

 

Vì vậy, tín hiệu nhiều người giàu không phải là xấu mà chênh lệch giàu nghèo quá lớn mới đáng lo, và đáng lo nhất là sự thiếu công bằng trong nguyên nhân tạo ra những lớp siêu giàu trong xã hội.

 

Làm giàu chính đáng và minh bạch, công khai

 

PV:-  Đặc biệt, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã cơ bản khai thác xong tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Vậy thì sự gia tăng số người giàu trong thời điểm này phải được lý giải ra sao? Một số vô cùng ít người giàu lên, trong khi đời sống nói chung không được cải thiện, điều này biểu hiện điều gì?

 

PGS.TS Tạ Lợi:- Thực chất, nếu nói Việt Nam đã cơ bản khái thác xong tài nguyên thiên nhiên là chưa chuẩn xác. Nếu đem so với dấu hiệu phục hồi kinh tế thì lại càng khó kết luận mối quan hệ này.

 

Giống như bạn hỏi về hai củ khoai lang đặt gần nhau thôi. Nếu xét về lý thuyết thì có các giai đoạn kinh tế quá độ, cất cánh, tăng trưởng…thì các giai đoạn này cần huy động nguồn lực tài nguyên thiên nhiên hay đánh đổi nguồn lực để phát triển giai đoạn sau.

 

Còn việc khủng hoảng và phục hồi kinh tế lại là chuyện điều hành, khiếm khuyết của thị trường.

 

Vì vậy, không thể kết luận vội vã hay nhìn nhận số người giàu lên với đời sống chưa cải thiện của phần đông dân số là biểu hiện xấu hay tốt. Cần phải có những nghiên cứu rõ ràng khoa học tôi mới dám nhận định, nhất là những vấn đề còn nhiều mâu thuẫn như làm giàu trong khủng hoảng, biến khó khăn thành cơ hội… với hàm ý của câu hỏi hơi mang tính gượng ép này.

 

PV: -Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, giàu có không minh bạch hợp pháp... là điều đáng ngại. Quan điểm của ông ra sao?

 

PGS.TS Tạ Lợi:- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Vấn đề con người đấu tranh không phải vì anh giàu hơn tôi mà là vấn đề là thiếu công bằng và dân chủ. Mục tiêu làm giàu chính đáng nên được khuyến khích và sự giàu có chính đáng sẽ tương đồng với đóng góp cho xã hội, cho nền kinh tế.

 

Một xã hội phát triển bền vững phải đảm bảo cả hai xu hướng này. Đó là làm giàu chính đáng và đảm bảo công bằng, minh bạch và công khai. Quy luật tất yếu sẽ xảy ra nếu một xã hội phát triển lệch pha hai hướng này.

Giàu có và thiếu công bằng từ xa xưa như “Hòa đại nhân” hay “Tổng thống Macos” cũng sẽ không bao giờ bền vững và vĩnh viễn. Vì vậy, quan điểm của tôi là phải đảm bảo cả hai xu thế ở trên, đảm bảo sự thịnh vượng dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và hợp pháp.

PV: - Có ý kiến cho rằng, sự giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch sẽ tạo ra tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Xã hội Việt Nam đã gánh chịu những hậu quả của tâm lý này chưa, xin ông phân tích cụ thể.

 

PGS.TS Tạ Lợi:- Theo tôi, nếu nhận định như vậy cũng không sai nhưng tôi có cảm nhận đủ bộ tiêu chí đánh giá. Vì vậy, cho phép tôi cũng cảm nhận đưa ra các nhận định ở Việt Nam đã và đang chịu hậu quả của vấn nạn này rồi.

 

Các dấu hiệu tôi cảm nhận là có quá nhiều vụ tham nhũng quá, có quá nhiều vụ việc tranh giành chức vụ, quyền lợi kinh tế, có quá nhiều người giàu đi xe đẹp mà xăm trổ, nhiều thiếu gia tiêu tiền quá tay… nó không còn là tâm lý nữa mà nó đã xảy ra thực rồi.

 

Vì vậy, câu chuyện bây giờ theo tôi không phải là phân tích cụ thể tâm lý mà là câu chuyện ai sẽ ngăn chặn và tổ chức lại xã hội đi theo đúng hướng là làm giầu chân chính, minh bạch và công bằng đây.

 

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!

 

Theo Thanh Huyền
Báo Đất Việt
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *