Đời Sống 19/02/2014 10:36

Mốt bán hộ, đi chợ hộ của chị em công sở

Do có nguồn hải sản tươi sống giá gốc tại Cửa Lò, Nghệ An nên hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Minh Hà, nhân viên của một tập đoàn viễn thông tại Hà Nội - được chị em hay nhờ mua hộ.

Một người đi chợ cho cả cơ quan

Cả năm đi chợ giúp các chị em, chị Hà kể đã cung cấp không biết bao nhiêu hải sản cho cả phòng, thâm chí cả công ty. Cứ người nọ truyền tai người kia tìm đến nhờ chị giúp lấy nguồn hải sản tươi sống ngon, bổ, rẻ.

Chị Hà tâm sự: “Đợt sinh nhật năm ngoái, tôi có mời mấy anh em đồng nghiệp thân thiết cùng phòng về ăn tiệc. Sẵn nguồn hải sản tươi sống bố mẹ từ quê gửi ra cho, tôi chiêu đãi toàn hải sản. Ăn xong ai cũng tấm tắc khen ngon. Sáng hôm sau đi làm chị em cùng phòng tíu tít đến nhờ mua hộ”.

Theo đó, có lúc chị nhận đi chợ giúp hàng trăm kg hải sản, không thì cũng vài chục kg/tuần. Các loại hải sản tươi sống: ngao, tu hài, tôm, ghẹ, mực, cá... với giá buôn tận gốc sẽ được bố mẹ chị Hà đóng thành từng thùng xốp trắng gửi qua xe khách, lên đến bến xe Giáp Bát thì chị Hà ra lấy. Giá các loại hải sản như tôm hùm khoảng 1 triệu đồng/kg, mực tươi 200.000-400.000 đồng/kg tùy loại; hàu sữa loại 143.000 đồng/kg; bạch tuộc 150.000 -200.000 đồng/kg, cá thu 150.000 đồng/kg...

đi-chợ-hộ,  đồ-quê, hải-sản, giò-chả, buôn-bán, kinh-doanh, dân-công-sở

Hải sản tươi sống cũng thường được nhiều người nhờ mua.

“Giá cả phải chăng, chất lượng lại toàn loại 1 nên được chị em ưa chuộng lắm, ăn xong lại dặn lấy tiếp. Tết vừa qua, mặc dù giá có tăng cao nhưng tôi đã nhận lấy giúp hơn 50 đơn hàng mua hải sản”, chị Hà thật thà chia sẻ. Ngoài ra, chị còn nhận đặt giúp cam Vinh, cam xã Đoài - đặc sản Nghệ An - hộ mọi người.

Ngoài ra, chị Hà cũng cho biết thêm, trên công ty hiện giờ cứ phân công nhau, ai biết và có nguồn thực phẩm sạch từ quê thì phụ trách đi chợ hộ cho các chị em theo đơn đặt hàng luôn. Giờ thì, người chuyên phụ trách mua giò chả không hàn the, người chuyên thịt lợn quê... Mỗi người góp một ít công sức đi chợ giúp chị em khác để gia đình nhà nào cũng có bữa cơm sạch ăn hàng ngày.

Kể chuyện việc đi chợ hộ, chị Hoàng Thị Thanh Thủy, nhân viên một công ty quảng cáo trên đường Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) lại phá lên cười. Chị bảo lâu nay cả phòng vẫn gọi chị với biệt danh “bà nội trợ đảm đang”.

Vốn quê ở Hưng Yên, lại gần một lò mổ thịt bò chuyên nghiệp nên tuần nào chị em trong phòng cũng nhờ gửi thịt bò ngon từ quê lên, mỗi tuần khoảng 20 kg. Tiếng thơm đồn xa, dần dần chị Thủy còn đi chợ giúp cả về rau quả, su su, bắp cải, su hào, súp lơ, khoai tây rồi các cả gia cầm... tất cả đều do người nhà chị làm ra.

“Lúc đầu tôi thấy nặng nề lắm, tự nhiên tay xách nách mang đủ thứ lên cơ quan, nhưng càng ngày càng thấy việc của mình có ích nên không giúp mọi người cũng áy náy”, chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, sự khác biệt giữa đi chợ hộ với việc buôn bán là người mua không lấy tiền công. Thường thì ở chợ hoặc người bán nói giá bao nhiêu, chị cũng chỉ lấy của mọi người như vậy.

Quê của Hoa - một nhân viên công ty truyền thông - ở Vĩnh Phúc, mấy gia đình thường hay chung nhau mua lợn sạch, thuê người giết mổ, ăn dần cả tuần. Thấy vậy, mọi người trong cơ quan cũng nhờ Hoa mua hộ. 4-5 người mua chung một con lợn. Lợn ở quê được giết mổ, chia các phần đều nhau, đóng thùng có ướp đá lạnh sạch sẽ, chuyển lên Hà Nội. Tổng chi phí hết bao nhiêu chia đều cho mọi người, Hoa chỉ mua giúp chứ không hề tính tiền công.

đi-chợ-hộ,  đồ-quê, hải-sản, giò-chả, buôn-bán, kinh-doanh, dân-công-sở

Loại gà ăn thóc ở quê được chị em công sở nhờ đặt mua hộ

Từ đi chợ hộ đến khởi nghiệp kinh doanh

Chuyện đi chợ giúp hiện không chỉ dừng lại ở các món hàng đặc sản như gà Đông Tảo, cam xã Đoài, cá kho làng Vũ Đại... mà còn phát triển mạnh, trở thành trào lưu mới. Giờ các chị em công sở còn giúp nhau đi chợ hàng ngày, với các món ăn dân dã như: thịt lợn, gia cầm, hải sản, rau củ quả, nấm, gạo, hoa quả...

Xuất phát từ lòng tốt muốn giúp đỡ mọi người trong công ty có nguồn giò ngon, tuần nào chị Nguyễn Thị Tân (Đại Từ, Hoàng Mai) cũng hối hả nhờ mẹ mình ở dưới quê Nam Trực, Nam Định đặt mua rồi gửi lên. Sở dĩ món giò Nam Trực được yêu thích bởi được làm 100% từ thịt tươi ngon, không có phụ gia, hàn the. Các loại giò heo, giò bò, giò xào của chị Tân được nhiều chị em yêu thích đặt mua thường xuyên.

Thấy nhiều người nhờ mua giúp quá, chị nảy sinh ý tưởng mở một cửa hiệu nhỏ buôn bán các loại giò chả sạch. Sẵn mối khách quen trước đó, chị Tân nhận được rất nhiều các đơn đặt hàng giò chả dịp Tết. Thêm vào đó, do nhu cầu nhiều nên chị Tân còn nhận phân phối các đặc sản từ Nam Định như rượu nếp, gạo Hải Hậu, nem mắm, nem chạo, bánh gai...

Cửa Lò là nơi vốn nổi tiếng với các loại hải sản tươi sống hảo hạng, nhờ việc đi chợ giúp cả cơ quan trong suốt 1 năm qua, chị Hà đã thành công trong ý tưởng kinh doanh đưa hải sản tươi sống Cửa Lò ra Hà Nội bán. Nhờ đó, chị có nguồn thu ổn định 3-5 triệu đồng/tháng, riêng tháng Tết vừa qua chị thu gần 10 triệu đồng.

Mặc dù mở dịch vụ bán hải sản tươi sống nhưng riêng với chị em đồng nghiệp công ty, ai có nhu cầu, chị vẫn chỉ lấy với giá buôn y như trước chứ không bán theo giá bán lẻ cho khách.

Theo Bảo Hân

Vietnamnet

Bảo Hân

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *