Đời Sống 16/05/2021 08:43

Máy gặt không dám đến ruộng, nông dân "ngồi trên đống lửa"

Lúa đã chín nhưng gặp thiên tai ngã đổ, người nông dân lo thu hoạch nhanh để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều nông dân không thể thuê được máy gặt vì tình trạng "cò" bảo kê, tăng giá.

Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Hưng Thắng và Hưng Dương (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), những ngày này, để thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín, họ đã đi thuê máy gặt về làm. Tuy nhiên, máy gặt đến rồi lại đi vì bị một số đối tượng yêu cầu phải đóng từ 20 đến 25 ngàn đồng/1 sào ruộng.

Máy gặt không dám đến ruộng, nông dân ngồi trên đống lửa - 1

Cánh đồng Bắt (thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng) có hàng chục hecta lúa đã chín, nhiều diện tích đổ rạp nhưng khó tìm thấy bóng dáng chiếc máy gặt. 

Sáng ngày 15/5, có mặt tại cánh đồng Bắt (thôn Hưng Dương), chúng tôi ghi nhận cảnh hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên trước thực trạng lúa đã chín vàng, nhiều diện tích ngã rạp do trước đó gặp mưa lớn. Một số hộ dân đã thuê người tới gặt bằng tay nhưng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm.

Gia đình bà Phạm Thị Lý (SN 1962, thôn Hưng Dương) có 10 sào lúa đến vụ thu hoạch nhưng 9 sào bị đổ ngã. Con cái đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già nên việc gặt hái trông chờ vào thuê máy. Đã gần một tuần nay, dù đi gọi máy gặt ở nhiều nơi nhưng không ai dám nhận khiến vợ chồng bà Lý như "ngồi trên đống lửa".

"Sợ mưa xuống nếu không gặt kịp diện tích bị ngã đổ lúa sẽ rụng hết, mấy ngày này vợ chồng tôi dậy từ 3h sáng để ra đồng thu hoạch nhưng chưa được bao nhiêu. Không thuê được máy thì bao nhiêu công sức mấy tháng trời dễ mất trắng", bà Lý lo lắng.

Máy gặt không dám đến ruộng, nông dân ngồi trên đống lửa - 2

Do không thuê được máy gặt nên vợ chồng bà Lý tự gặt tay nhưng mỗi ngày chỉ thu hoạch được rất ít.

Tương tự hộ ông Đặng Quốc Quân (SN 1960, thôn Hưng Dương) đã nhiều ngày gọi máy gặt không được nên đã thuê 4 người gặt bằng tay. Nhưng do thời tiết nắng nóng, một ngày thu hoạch chưa nổi một sào lúa.

"Ở thôn được một máy nên chúng tôi đi thuê các xã lân cận, tuy nhiên họ không dám đến vì xuất hiện tình trạng "cò" tăng giá, thu tiền thêm mỗi sào 20-25 nghìn đồng. Không những thế nếu đưa máy đến đây gặt họ phải nộp cho các đối tượng bảo kê 5 triệu đồng. Do đó, dù nhiều chủ máy không có việc họ cũng không dám nhận", ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, nếu không kịp thời thu hoạch thì ông và nhiều người dân đang lo lắng sắp tới có mưa, nếu bị ngập thì mất trắng.

Máy gặt không dám đến ruộng, nông dân ngồi trên đống lửa - 3

Người dân thôn Hưng Dương đang lo lắng nếu không thu hoạch được trước lũ Tiểu Mãn thì có nguy cơ mất trắng.

Còn tại thôn Hưng Thắng có hơn 100 ha lúa vào vụ thu hoạch, sau nhiều ngày không thuê được máy gặt, chiều 13/5, hàng chục người dân đã tập trung phản ánh lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình sự việc. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn, liên hệ máy gặt đập liên hoàn về thu hoạch lúa cho bà con nông dân.

Thông tin từ Công an xã Cẩm Hưng, tình trạng một số đối tượng bảo kê máy gặt trên địa bàn để trục lợi bất chính là có thật. Hiện lực lượng công an xã đang phối hợp với Công an huyện Cẩm Xuyên điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Máy gặt không dám đến ruộng, nông dân ngồi trên đống lửa - 4

Hàng chục người dân thôn Hưng Thắng tập trung phản đối việc không thuê được máy gặt.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an các xã, phường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng xem thường pháp luật, xem thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên trục lợi mồ hôi công sức của người dân, bằng việc bảo kê máy gặt, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi và tài sản cho nhân dân.

Tiến Hiệp

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *