Đời Sống 17/07/2015 14:01

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà

FICA - Trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định nhu cầu tiêu dùng tối thiểu (một phần của mức sống tối thiểu) là yếu tố cần tính tới. Trong đó, mức tiền thuê nhà được điều chỉnh theo thực tế từ 600.000-800.000 đồng/tháng.

 

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà
Chi phí của người lao động cho việc thuê nhà chiếm một khoản tiền không nhỏ trong tiền lương (Ảnh: TL)

 

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định mức lương tối thiểu vùng.

 

Tại Điều 91 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

 

Quan điểm của Tổng LĐLĐ VN cho rằng, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động đang được nhiều cơ quan xác định với số liệu khác nhau. Điều đó ảnh hưởng lớn đến việc thống nhất xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm của các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia.

 

Trong đề xuất tăng lương tối thiểu, Tổng LĐLĐ VN nhất trí sử dụngphương pháp và số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động (có tính đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng từng thời kỳ).

 

Đây là phương pháp được Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia áp dụng khi xây dựng phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2016.

 

Tuy nhiên, một bất hợp lý được đại diện Tổng LĐLĐ VN chỉ ra là: Trong số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia nêu trên, tiền thuê nhà được tính bình quân một người là 80.000 đồng/tháng.

 

Trong khi đó, mức tiền thuê nhà tính trong tiền lương nêu trên là rất thấp, không phản ánh đúng thực tế hiện nay, khoảng 600.000 - 800.000 đồng/gia đình/tháng, theo biểu sau:

 

Từ thực tiễn trên, Tổng LĐLĐ VN đưa ra một mức đề xuất xác định nhu cầu sống tối thiểu giai đoạn 2015-2017 của người lao động sau khi được điều chỉnh theo thực tế, như sau:

 

Vùng

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Vùng 1

3.920

4.103

4.347

Vùng 2

3.508

3.676

3.801

Vùng 3

3.072

3.219

3.353

Vùng 4

2.730

2.861

3.010

 

(Đơn vị: 1000 đồng/tháng)

 

Đây cũng là căn cứ để Tổng LĐLĐ VN đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 350.000 - 550.000 đồng/mức (tăng trung bình 16% so với mức lương tối thiểu 2015). Cụ thể như sau:

 

Vùng

MLTT 2016

Tăng so với 2015

% so với nhu cầu tối thiểu

MLTT 2017

Tăng so với 2016

Vùng 1

3.650

550

88,95

4.300

650

Vùng 2

3.200

450

87,05

3.800

600

Vùng 3

2.800

400

86,95

3.350

550

Vùng 4

2.500

350

87,38

3.000

500

 

(Đơn vị: 1.000 đồng). (MLTT: Mức lương tối thiểu)

 

Trước đó, ngày 3/7 tại Hà Nội, đại diện VCCI - một bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia - đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là trên 10 %. Lý giải điều này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng mức tăng này đáp ứng được 3 yêu cầu chính: Bù đắp được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và rút ngắn một phần mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra.

 

Tiền làm thêm, phụ cấp, ăn ca chiếm từ 1/4 -1/3 tổng thu nhập của người lao động

 

Tổng LĐLĐ VN mới công bố khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động năm 2015 trong 60 doanh nghiệp, trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố đại diện cho 4 vùng lương tại các lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ - thương mại, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử…

 

Kết quả cho thấy, tiền lương (thu nhập) trung bình của người lao động vào khoảng 3.817.000 đồng/tháng, trong đó: Tiền lương trung bình vùng I: 4.369.000 đồng/tháng; vùng II: 3.860.000 đồng/tháng; vùng III: 3.811.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.225.000 đồng/tháng.

 

Tiền lương trung bình tính theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhà nước: 4.180.000 đồng/tháng; doanh nghiệp cổ phần hoá: 4.300.000 đồng/tháng; doanh nghiệp FDI: 3.800.000 đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh khác: 3.646.000 đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức lương thực nhận cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng bảo hiểm cho người lao động từ 10 - 14%.

 

Đồng thời, ngoài ra người lao động có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp với nhiều tên gọi khác nhau (nhà ở, xăng xe, đời sống, chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng…) và tiền ăn ca. Các khoản này chiếm từ 1/4 - 1/3 thu nhập của người lao động.

 

Theo ông Mai Đức Chính: Nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Việc công nhân ngừng việc tập thể để phản đối quy định tại điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng xuất phát từ vấn đề này.

 

Hoàng Mạnh

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *