Đời Sống 19/01/2015 15:30

Lộ mặt đối tác của Uber kinh doanh vận tải trái luật

Tại TPHCM, Uber tiếp tục mở các lớp tập huấn, “chiêu dụ” chủ xe, tài xế, thậm chí khẳng định “bao” tiền phạt nếu tài xế bị TTGT, CSGT xử lý...

Buổi tập huấn và tuyển dụng “chớp nhoáng” của Uber chiều
15/1
Buổi tập huấn và tuyển dụng “chớp nhoáng” của Uber chiều 15/1

 

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber). Trong lần làm việc mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã đề nghị Uber cung cấp danh sách các đối tác tại Việt Nam để đối chiếu xem có hợp lệ với các điều kiện kinh doanh vận tải hay không. Vì hiện nay, ở Việt Nam có năm loại hình kinh doanh vận tải (taxi, vận tải khách tuyến cố định, xe hợp đồng, buýt, hàng hóa - PV). Để hoạt động hợp lệ, Uber chỉ có thể bán công nghệ cho doanh nghiệp thuộc năm loại hình kinh doanh vận tải này. Tuy nhiên, đại diện Uber chưa tiết lộ đối tác và khẳng định chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thương mại có giấy phép kinh doanh.

 

Trong khi dư luận đang chờ Uber công bố đối tác thì ngày 15/1 vừa qua, Uber thông báo đến nhiều tài xế, chủ xe: “Nếu bạn có thể giới thiệu thêm một chủ xe mới gia nhập Uber và chủ xe đó chạy được ít nhất 10 chuyến trong vòng 7 ngày kể từ ngày kích hoạt tài khoản, Uber sẽ thưởng cho người giới thiệu 500 nghìn đồng…”.

 

Từ thông tin này, PV Báo Giao thông đã “đột nhập” vào một lớp tuyển dụng, đào tạo “chớp nhoáng” của Uber tại Press Cafe, số 14 đường Alexandre De Rhodes (TP HCM). Tại đây, chúng tôi ghi nhận, có khoảng 60 – 70 chủ xe đang được đại diện Uber tập huấn.

 

“Bao tiền” nộp phạt cho chủ xe?

 

Sáng 18/1, khi chúng tôi liên lạc với Uber để hỏi thông tin về việc tại sao phía Uber chấp nhận chi trả tiền phạt cho chủ xe khi bị TTGT lập biên bản, cũng như việc tổ chức đào tạo tài xế Uber ở quán cafe... thì người phụ nữ đại diện cho phía Uber từ chối trả lời. Người này hẹn chúng tôi một buổi khác sau khi đã hỏi ý kiến của ông Karun Aya, Giám đốc truyền thông của Uber châu Á - Thái Bình Dương.

 

Liên quan đến thông tin một chủ xe taxi Uber đòi đánh hành khách ngày 14/1, như Báo Giao thông đã đưa tin, đại diện Uber cho biết, chủ chiếc xe BKS 51F-004.04 không hăm dọa hành khách. Có thể là một lời nói của tài xế nào đó, nhưng phía Uber chưa xác định được cụ thể là ai. Đại diện Uber còn cho biết thêm, các chủ xe Uber bị lập biên bản hành chính từ đầu tới nay hiện vẫn chưa bị xử phạt, mức xử phạt và có bị phạt hay không vẫn còn đang chờ cơ quan chức năng thẩm định.

 

Ngày 18/1, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh TTGT Sở GTVT TP HCM cho biết, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt tại các khu vực trọng điểm của thành phố, TTGT đang kiểm tra các DN, HTX có liên quan đến Uber. Riêng trường hợp HTX Cơ giới vận tải thủy bộ quận 8, do bà Đinh Thị Lệ làm Giám đốc, vừa qua báo chí phát hiện thu hút rất nhiều chủ xe đến “làm thủ tục” để tham gia Uber, TTGT đã vào cuộc để điều tra, xác minh. Cũng theo ông Việt, TTGT thành phố đang khẩn trương thu thập nhiều thông tin liên quan về việc Uber mở các lớp tập huấn, “chiêu dụ” chủ xe, tài xế, “bao” phạt... Sắp tới, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch tăng cường, phối hợp với TTGT thành phố kiểm tra, xử lý Uber.

 

Cước Uber không rẻ

 

Tiếp xúc với nhiều hành khách từng đi taxi Uber, chúng tôi được biết, giá của loại hình vận tải này không hề rẻ mà thậm chí còn đắt hơn nhiều so với các hãng taxi truyền thống. Trường hợp của anh N.V.Q, đi từ số 4 Phạm Ngọc Thạch (quận 1) đến sân bay đã phải thanh toán số tiền là 172 nghìn đồng, trong khi đó theo hành khách này, lẽ ra anh chỉ phải trả khoảng 90 nghìn đồng nếu đi taxi Vinasun hoặc Mai Linh...

 

Anh Nguyễn Thanh Hòa, tài xế taxi Vinasun khẳng định: “Từ Nguyễn Biểu (quận 5) đi Sân bay Tân Sơn Nhất, khách chỉ phải trả khoảng 130 nghìn đồng, từ chợ Bến Thành đi Sân bay là 120 nghìn đồng, Phạm Ngọc Thạch còn thấp hơn nhiều... Các mức giá như anh nói là quá chát, nhất là trong điều kiện xăng dầu đang giảm giá mạnh”.

 

“Đi taxi Uber, ngoài tiền cước theo tính km, hành khách còn phải trả phí đặt chỗ, phí mở cửa, phí thời gian hành trình... và chịu luôn tiền vé cầu đường tại các trạm thu phí. Đơn cử như phí chờ hành trình, hành khách sẽ phải trả thêm từ 600 đồng/phút trở lên (tùy loại xe thường hay xe sang)”, một tài xế Uber tiết lộ.

 

Theo Mai Huyên - Đỗ Loan
Báo Giao thông vận tải

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *