Đời Sống 20/03/2015 14:24

Liêu xiêu nơi cuối Việt: Không còn động lực làm giàu

TS Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nhận xét thú vị về chuyện nghèo ở miền Tây: Ở vựa lúa miền Tây, đã từ lâu không còn “nghèo đói” mà chỉ có “nghèo khó”. Không có ai chết đói vì nghèo, nhưng “nghèo đều”, hiện còn 6,5% số hộ cận nghèo, cao hơn cả Tây Nguyên...

Một ngày làm… 3 tiếng

TS Trần Hữu Hiệp bảo, bây giờ vấn đề việc làm và nạn thất nghiệp ở nông thôn khu vực miền Tây đang nan giải. Ông kể: “Anh em tôi ở quê, nhiều người cũng không có việc làm, khổ lắm. Làm ruộng cả năm không dư được 2 triệu đồng, nên khi lên thành phố làm công nhân, kiếm được 3 triệu một tháng, mừng lắm…”. Đem chuyện này kể với “điền chủ” Út Huy - người đang sở hữu hơn 500ha đất, ông trả lời bằng một cách nhìn khác: “Nói người nông dân ở miền Tây không có việc làm cũng đúng, nhưng chưa đủ. Bởi không có việc làm, sao chỗ tôi vào bao nhiêu nhận bấy nhiêu, lại thuê không ra người, mặc dù họ đang ở không và ruộng đất bỏ hoang - nhiều vô kể? Nói chính xác, hiện họ không có động lực để sản xuất, làm việc, cũng như vươn lên, làm giàu. Người ta hay nói mùa nông nhàn, nhưng thực tế, nông thôn bây giờ không còn mùa nông nhàn, bởi công việc lúc nào cũng có. Nông thôn bây giờ chỉ có những người không chịu làm việc”.

Ông Út Huy nhắc chúng tôi nhớ, anh Lê Văn Bình ở ấp 2, xã Bình Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên bởi những ruộng mía nhà anh đã sắp trổ bông, mà những người đốn mía thuê (chủ yếu là người Khmer) đã đặt cọc trước ở dưới Sóc Trăng, Trà Vinh… vẫn chưa thấy lên. Hỏi sao không thuê người địa phương cho khoẻ mà phải dài cổ ngóng chờ lao động ở xa đến mấy trăm cây số? Anh Bình bức xúc: “Người địa phương họ không chịu làm. Mà có làm cũng làm kiểu công tử, không ai chịu thấu”. Anh Bình kể 7 năm về trước, người đốn mía thuê ở Bến Lức chủ yếu là người địa phương. Lúc đó, họ làm công một ngày 8 tiếng, nhưng dần dần bớt thời gian xuống và đến thời điểm này, ngày công của họ chỉ còn… 4 tiếng. Trong khoảng 4 tiếng đó, họ có đến 3 quãng nghỉ giải lao, mỗi quãng mất… 15 phút để thuốc men, trà nước. “Việc đang cần gấp, tui đề nghị họ làm thêm 4 tiếng nữa và chấp nhận trả công gấp đôi, nhưng họ lắc đầu vì buổi chiều đã có độ nhậu!” - anh Bình lắc đầu. Đáng nói, một ngày công 4 tiếng, trong đó có 45 phút giải lao không phải là chuyện riêng của Bến Lức mà đã trở thành “luật lao động” của toàn vùng ĐBSCL, kiểu như công chức thì phải làm việc ngày 8 tiếng vậy.

Với câu hỏi “Vì sao không đi làm?”, ở xã Phước Chỉ (Tràng Bảng, Tây Ninh) chúng tôi còn nghe được câu trả lời khó tin hơn từ những người nông dân ngày chỉ dám ăn hai bữa vì không có tiền: “Ở đây không có việc gì làm cả nên nhậu giết thời gian. Chẳng lẽ bây giờ đi hái ớt thuê cho người ta để lấy công 5.000đ/kg? Làm vậy coi sao được?”. Và tất nhiên, “làm vậy coi sao được” cũng không phải là chuyện riêng của Phước Chỉ. Đến đây lại nhớ câu nói, nhiều người miền Tây không thực sự cảm thấy “cái nhục nghèo”, coi nghèo khó của bản thân, gia đình là chuyện bình thường của TS Trần Hữu Hiệp và ví von rất hình tượng của ông Út Huy: “Người miền Bắc, miền Trung chịu cực rất giỏi nhưng họ quyết không chịu khổ nên họ luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống, còn người miền Tây, ngược lại, họ chịu khổ giỏi nhưng lại rất yếu trong chịu cực, nên sống chây ì, mặc kệ”. Ông Út Huy nói thêm: “Phần lớn lao động nông nghiệp hiện nay đang hứng lao động đào thải từ công nghiệp - tức những người đã hết tuổi làm công nhân. Những đối tượng này quen ở trong mát, nên rất ngại lội ruộng và không đủ sức khoẻ để làm việc nặng nhọc”.

U ám...

Vì sao nông dân miền Tây nghèo, không có động lực sản xuất với ruộng vườn đang bỏ hoang của mình mà lại lũ lượt di cư đi Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân (ĐBSCL là vùng có số dân di cư cao nhất nước) trong trong điều kiện thiếu kiến thức, chủ yếu là lao động phổ thông và một bộ phận lao động nữ hành nghề “nhạy cảm”? Ông Út Huy trả lời: “1ha đất trồng lúa một năm không thu lãi được 30 triệu đồng, trong khi đi làm công nhân một năm thu được hơn 30 triệu mà không lo lỗ lãi, nắng mưa, sâu bệnh… nên họ chọn phương án lên thành phố làm công nhân cho khoẻ”.

TS Trần Hữu Hiệp chi tiết hơn: Nghèo có nhiều loại: Nghèo do không có đất, thiếu đất sản xuất; người có đất thì thiếu vốn, kiến thức, do bí lối làm ăn; nghèo do thiếu phấn đấu vươn lên, do chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa hợp lý, thiếu lồng ghép giữa phát triển kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội... Theo ông, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề lao động nông thôn... ở ĐBSCL đã được thực thi hiệu quả. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách và công tác giảm nghèo. Ngay cả đào tạo nghề cũng có tình trạng “ngồi nhầm lớp” nên chưa gắn được với tạo việc làm bền vững. “Ngồi nhầm lớp” - một thực trạng cười ra nước mắt chúng tôi từng chứng kiến: Nguyên một ấp mấy trăm phụ nữ ở Cà Mau được vận động đi học nghề… nấu ăn! “Cả ấp ai cũng có nghề nấu ăn, nên chúng tôi học xong chỉ biết hành nghề bằng cách… làm đồ nhậu cho chồng” - một học viên vừa tốt nghiệp ca thán. Có nơi, người ta “lùa” đàn ông cả ấp đi học… “trồng cây gì, nuôi con gì” như kiểu khuyến nông, chủ yếu gom cho đủ lớp để giải ngân...

Một kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho thấy, bình quân đất sản xuất 0,4ha/hộ, quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập chia cho số nhân khẩu trong hộ thuần nông còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày. Có người ví, chưa đủ mua nửa tô phở! Bức xúc đang nổi lên của toàn vùng ĐBSCL hiện nay là hạt gạo bị cắn chia làm “tám phần”; con cá tra, cây mía bị chặt làm nhiều khúc nhưng phần của người nông dân được nhận lại quá nhỏ và bất hợp lý, không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Ví dụ con cá tra. Nếu bán có lời - hết 70% tiền lời là những người trung gian hưởng. Nhưng nếu lỗ thì người dân chịu hoàn toàn. TS Trần Hữu Hiệp cay đắng: “Câu chuyện sản xuất ở ĐBSCL hiện nay như cái đòn gánh. Một bên là đầu vào nặng trĩu giá vật tư, phân bón, tiền lãi vay; một bên là đầu ra với giá cả bấp bênh, phập phù theo giá thị trường sớm nắng chiều mưa, nên người nông dân ở giữa cứ bước liêu xiêu, liêu xiêu rất tội nghiệp”.

Những gì đã kể, cùng hình ảnh bước chân nông dân liêu xiêu làm chúng tôi nhớ đến một thực tế báo động khác: Số người tự tử ở miền Tây ngày càng tăng cao. Chỉ riêng tỉnh Long An, thống kê chưa đầy đủ năm 2014 đã có hơn 1.053 ca tự tử! Thạc sĩ Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - lý giải đó là “trạng thái tâm lý xã hội” do thực tế nghèo khó, bí bách, không lối thoát… Còn nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hoá - nghệ thuật VN tại Huế - lý giải, đó là hệ luỵ của “nền văn hoá rượu cồn”. Ông nói: “Rượu nhiều cộng với cuộc sống bức bách, lại không bị chi phối bởi những ràng buộc gia đình, dòng họ như miền Bắc, miền Trung nên họ rất dễ chọn cái chết để giải thoát bản thân…”.

Từ những mảnh đất xanh - vùng đất hứa của cả nước, giờ đây, sau mấy chục năm, miền Tây cuối Việt đang trở thành “túi nghèo” của cả nước với một nền nông nghiệp bị “bỏ hoang” cùng những kết cấu xã hội và các giá trị đạo đức bị xáo tung, đảo lộn… Bất lực trước thực trạng người dân “vựa lúa” đang nghèo khó và thiếu động lực làm ăn - cảm nhận của TS Hiệp. Ông nói: “Tôi không muốn nói là u ám, nhưng đúng là là rất… u ám”. Và chúng tôi ám ảnh mãi bởi câu hỏi - tự trả lời của ông trước khi chia tay: “Người dân có muốn làm giàu, muốn nâng cao thu nhập trên ruộng vườn của mình không? Họ có muốn cũng không được với cơ chế như hiện nay”.

Để người dân ĐBSCL có động lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, thay đổi thực trạng “liêu xiêu”, cần có sự vào cuộc nghiêm túc của hệ thống hoạch định chính sách từ địa phương đến T.U. Trước hết, cần có những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ KH-KT... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua, rõ ràng không ăn thua. Quan trọng nhất, phải khắc phục tư tưởng “làm chơi ăn thiệt”, “chơi xả láng, sáng về sớm”. Mỗi người dân phải thực sự cảm thấy “cái nhục nghèo” để phấn đấu vươn lên.

Theo Hoàng Văn Minh - Hữu Danh
Lao động
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *