Đời Sống 14/05/2014 08:23

Làng nghèo thành tỉ phú nhờ “đi tây”

FICA - Nói về sự phồn thịnh, giàu có của Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nhờ xuất khẩu lao động có người tếu vui: “Cứ sau một đêm ngủ dậy là thấy làng xóm lại khác, một số ngôi biệt thự cao ngạo nghễ mọc lên từ lúc nào không hay”.

Làng nghèo xứ chiêm trũng

 

Ít ai biết rằng, mảnh đất Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) giàu có hiện tại trước kia từng là xã nghèo khó. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Do nằm ở vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng nên mất mùa nhiều hơn được mùa, bà con cũng chẳng biết làm gì trước điều kiện khắc nghiệt của thiên tai. Khó khăn là vậy nhưng người dân cũng không biết làm gì để thoát nghèo, thoát khổ. Ngoài làm ruộng thì họ không có một nghề phụ nào ổn định để làm trong thời gian nông nhàn.

 

Trăn trở về tương lai của quê hương nếu không tìm cách thoát nghèo thì khó mà đổi vận được. Với ý nghĩ đó, nhiều đàn ông trong xã bắt đầu đi làm ăn xa mong tìm được nghề phù hợp để sau này về quê lập nghiệp. “Thời đó gỗ rừng còn nhiều lắm, nhận thấy buôn gỗ là một nghề nhanh có tiền, đem lại thu nhập nên nhiều người trong làng bắt đầu rời quê ra đi. Có chuyến chúng tôi đi tận hơn một tuần mới về. Trong quá trình đi buôn gỗ, nhận thấy nhiều sản phẩm thừa từ gỗ vứt bỏ đi thì phí nên anh em lại rủ nhau gom về đóng tủ, đóng bàn dùng trong sinh hoạt gia đình.

 

Những ngôi biệt thự nhan nhản ở làng nghèo Đô Thành từ sau khi những người dân đi tây làm ăn.
Những ngôi biệt thự nhan nhản ở làng nghèo Đô Thành từ sau khi những người dân "đi tây" làm ăn.
Từ đó Đô Thành có thêm một nghề mới là nghề làm mộc. Cũng chính nghề này đã giúp bà con nơi đây thoát nghèo chứ nghề buôn gỗ vừa nguy hiểm lại dễ mất tính mạng, ông Phan Đăng Thế, xóm trưởng xóm Đồng Thị, xã Đô Thành nhớ lại.
 

Từ khi có nghề, bà con nơi đây đua nhau mở xưởng. Cũng nhờ thời kỳ đó nghề mộc ở vùng này còn ít nên các sản phẩm mà họ làm ra đều được tiêu thụ ngay tức thì.

 

Những năm đó xuống chợ Si (Diễn Châu), chợ Dinh (Yên Thành) và nhiều nơi khác đều thấy sự có mặt của các mặt hàng mộc “Made in Đô Thành”. Nguyên liệu được lấy từ những sản phẩm thừa trong quá trình buôn gỗ để làm nên đem lại thu nhập khá. Đời sống bà con dần dần được nâng cao. Giờ đây Đô Thành không còn là độc canh cây lúa nữa mà việc làm của họ quanh năm không hết. Thời điểm đó, nhà nhà làm mộc, cả xóm, cả xã đều theo nghề mộc.

 

Một thời gian sau, do thị trường biến đổi, nhiều làng nghề mộc mọc lên như nấm sau mưa nên giá cả, lời lãi không còn được như trước nữa. Bà con nơi đây bắt đầu bỏ dần nghề này.

 

“Đi tây” về quê thành tỉ phú

 

Cùng thời điểm đó, nhà nước mắt đầu mở cửa giao thương với các nước bên ngoài. Vốn nhanh nạy, nắm bắt kinh tế thị trường, thời cơ rất tốt, dân xã Đô Thành bắt đầu xuất ngoại kiếm tiền về xây dựng gia đình, quê hương.

 

Khi trong nước dần trở nên khó làm ăn thì người dân nơi đây bắt đầu nghĩ đến việc ra ngước ngoài kiếm “cơm”. Đó là vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ trước, các lao động ở Đô Thành bắt đầu đi xuất khẩu lao động sang các nước như Đức, Ba Lan, Anh, Úc… để tìm kiếm cơ hội làm ăn.

 

Lúc đầu toàn xã cũng chỉ có một vài người đi. Về sau những người đi đầu tiên sang đó thấy làm ăn được nên lại về kéo anh em, bà con xuất ngoại kiếm tiền. Cứ thế, lượng người đi Tây ngày một tăng lên. Thời kỳ bấy giờ đi xuất khẩu lao động còn dễ nên cứ thấy làm ăn được là họ lại ồ ạt kéo nhau sang đó. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt.

 

Sau khi đi tây về, nhiều người trở thành tỉ phú mua sắm xe hơi
Sau khi "đi tây" về, nhiều người trở thành tỉ phú mua sắm xe hơi
 

Sau một thời gian cật lực làm việc bên xứ người họ lại tự hào đem số tiền mà mình đổ mồ hôi nước mắt làm được về trang trải cuộc sống cho gia đình, sắm sang đồ dùng, xây dựng nhà cửa khang trang. Chính từ đó mà những ngôi biệt thự cao tầng bắt đầu mọc lên ào ạt như nấm sau mưa.

 

Nói về sự phồn thịnh, giàu có của Đô Thành nhờ xuất khẩu lao động có người tếu vui: “Cứ sau một đêm ngủ dậy là thấy làng xóm lại khác, một số ngôi biệt thự cao ngạo nghễ mọc lên từ lúc nào không hay”.

 

Giàu có nổi tiếng ở Đô Thành là nhà của ông Nguyễn Đức Hòe. Ông Hòe có tới 3 người con trai, một gái và một cô con dâu đang làm ăn bên Đức. Bước vào căn biệt thự của gia đình ông Hòe mà chúng tôi cũng cảm thấy choáng với sự đồ sộ của nó. Có lẽ ở các thành phố lớn cũng khó tìm được căn nào có giá trị như nhà của ông.
 
Ông Hòe bên căn biệt thự của gia đình mình
Ông Hòe bên căn biệt thự của gia đình mình

 

Với lối thiết kế phương tây cổ độc đáo, đây được xem là căn nhà khủng nhất vùng đất này với giá xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng từ năm 2004. Ông Hòe tâm sự rằng, trước đây gia đình ông cũng nghèo lắm, nhưng từ khi nhà nước có chính sách mở cửa, các con của ông được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động.

 

Lúc đầu là người anh đi, khi ổn định thì đưa em sang. Lần lượt như thế, hiện tại ông có 4 cậu con trai thì ba cậu đang sống bên Tây. Ở làng này, gia đình ông Hòe là một trong những hộ tỷ phú của làng với tổng giá trị không kém cạnh với những đại gia thành phố, mặc dù ở thôn quê.

 

Ngoài gia đình ông Hòe thì còn rất nhiều gia đình khác có 3 đến 4 người con đi xuất khẩu lao động như gia đình ông Nguyễn Đức Hải là một ví dụ. Ông Hải có 2 con trai, 1 con gái và 1 con dâu đang ở bên Đức. Ông cũng là một trong những gia đình được liệt vào danh sách đại gia khủng ở vùng Đô Thành này.

 

Những năm gần đây, thị trường Lào làm ăn dễ dàng nên một bộ phận lao động ở Đô Thành bắt đầu sang đây tìm kiếm cơ hội làm giàu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khu làng Việt kiều Lào với những công ty, doanh nghiệp được dựng lên bên bờ kênh Vực Bách, trở thành một trong những xóm tỷ phú của xã Đô Thành.

 

Lê Tú
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *