Đời Sống 03/12/2020 10:29

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề "xây nhà" cho người chết

Dịp cuối năm là thời điểm nhiều gia đình thường cải tạo, xây dựng mới mồ mả cho người thân đã mất. Chính vì vậy, nghề xây mộ thuê cũng được dịp "nở rộ", kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Điểm qua một loạt các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội như Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Yên Hòa (quận Cầu Giấy) vào những ngày cuối năm, trái ngược hẳn với không gian tĩnh mịch, lạnh lẽo vốn có, những ngày này nhiều người ra vào nơi đây tấp nập.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề xây nhà cho người chết - 1

Vào dịp cuối năm, các nghĩa trang ở Hà Nội tập nập người ra vào.

Giữa hàng trăm ngôi mộ san sát trong khuôn viên nghĩa trang Xuân Đỉnh, thấp thoáng từng tốp người thoát ẩn thoát hiện. Càng lại gần, tiếng tiếng búa, tiếng máy cắt gạch mỗi lúc một rõ, có khi inh ỏi cả một góc trời.

Anh Trường - một thợ xây quê ở Vĩnh Phúc cho biết, từ khoảng 1 tháng nay anh và vợ đã gác lại các công việc trong năm để nhận xây mộ thuê. Theo anh Trường, vào dịp cuối năm nhiều gia đình với quan niệm "trần sao, âm vậy", họ không tiếc bỏ tiền của để xây cất lại phần mộ cho người thân đã quá cố. Vì thế, nghề xây mộ thuê cũng được dịp như "trúng số".

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề xây nhà cho người chết - 2

Như thường lệ, cứ vào dịp này vợ chồng anh Trường lại đi xây mộ thuê.

Mỗi ngôi mộ vợ chồng anh Trường kiếm được 6 - 7 triệu đồng tiền công, thậm chí cả hơn chục triệu tùy vào kích thước của mộ. Tính ra mấy tháng cuối năm, hai vợ chồng anh chị thu về cả trăm triệu đồng nhờ nghề xây mộ thuê.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề xây nhà cho người chết - 3

Mỗi ngôi mộ vợ chồng anh chị kiếm được từ 6 - 7 triệu đồng.

"Vào dịp này nhiều việc lắm, khi đời sống của người dân tốt lên, mọi người sẽ hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Trước đây tôi chỉ xây, sửa nhà cửa. Nhưng có người quen nhờ xây mộ cho người đã khuất, tôi chỉ nghĩ làm giúp vì cái tâm.

Sau này khi nghiệm thu người ta hài lòng quá rồi giới thiệu cho các hộ gia đình khác. Cứ như thế, tôi xây nhà cho cả người sống và người đã khuất", anh Trường nói thêm.

Tại nghĩa trang Yên Hòa, với kinh nghiệm 25 năm làm nghề, ông Kiên (62 tuổi, Hà Nội) cho biết, công việc xây mộ thuê bắt đầu bận rộn vào tháng 10 âm lịch hàng năm.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề xây nhà cho người chết - 4

Ông Kiên cho biết, năm nay ông mới nhận xây thuê được hơn 10 ngôi mộ.

Theo ông Kiên, sở dĩ cuối năm nhiều nhà xây mới, cải tạo mồ mả vì vào mùa này là mùa hanh khô, ít mưa, việc xây dựng cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ai cũng muốn có một ngôi nhà mới cho người đã mất vào dịp cuối năm, để sang năm mới với mong muốn được phù hộ được bình an, làm ăn phá đạt hơn.

Thời điểm này năm trước nhiều người thuê chúng tôi lắm, có khi làm không hết việc hết việc. Nhưng năm nay có thể do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế giảm sút nên ít gia đình tính đến chuyện cải tạo mồ mả, đến giờ chúng tôi mới nhận xây thuê được hơn chục ngôi mộ", ông Kiên chia sẻ.

Cạnh đó là nhóm thợ của ông Sang cũng đang miệt mài sửa thuê lại 3 ngôi mộ khác, chia sẻ: việc cải tạo mồ mả là việc mang ý nghĩa tâm linh, không nên vì tiền mà làm ẩu. Nhiều nhà xây mộ còn xem ngày giờ rất tỉ mỉ, nên khắt khe về thời gian, yêu cầu người làm phải đảm bảo đúng tiến độ công việc cho họ, nếu được sẽ có thưởng thêm, nếu không có thể còn bị phạt.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày bằng nghề xây nhà cho người chết - 5

Theo ông Sang làm bất cứ việc gì cũng cần phải có tâm, đặc biệt là trong việc xây mồ mả.

"Làm nghề gì cũng phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, làm tốt thì lần sau lại có người giới thiệu cho là tiếp, làm ẩu thì phải tội với người đang nằm dưới mộ chứ chưa nói gì đến được người khác tin tưởng mà giới thiệu việc cho.

Chậm là chết, nên chúng tôi vừa phải cố gắng xây đúng kỹ thuật, vừa phải đảm bảo về mặt thời gian để bàn giao cho gia đình, có gia đình chỉ chậm vài phút là họ phải mang lễ lạt đến tạ, số tiền lễ họ bắt chúng tôi phải bù trả ấy chứ…", ông Sang tâm sự.

Cũng theo người đàn ông này, việc xây mộ nhàn khá nhàn, bởi không phải dựng giàn giáo vẫn có thể làm được, nhưng đòi hỏi phải nhanh và kỹ thuật cao.

"Có nhà họ không yêu cầu chúng tôi phải xây nhanh, nhưng lại phải đảm bảo chất lượng cho họ. Thời gian đầu tôi cảm thấy công việc này vất vả vô cùng, nhưng sau dần thì quen nên cảm thấy bình thường", ông Sang nói.

Mỹ Linh

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *