Đời Sống 25/04/2015 07:30

Hơn 30 chủ tàu cá đã vay vốn theo Nghị định 67

Ngày 24/4, tại hội nghị trực tuyến thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Sau 8 tháng triển khai, có 628 tàu cá đăng ký đóng mới, trong đó có 267 tàu vỏ thép, 317 tàu gỗ 44 tàu vật liệu mới.

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 trong chuyến biển thử nghiệm giữa tháng 8
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 trong chuyến biển thử nghiệm giữa tháng 8
 

Ngoài ra, có 80 tàu đăng ký nâng cấp. Hiện có 31 chủ tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp ký được hợp đồng tín dụng vay vốn với tổng số tiền vay đạt 271 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay 60-95% tổng trị giá con tàu.

 

Theo Bộ NN&PTNT, trong quá trình triển khai Nghị định 67, nhiều địa phương, ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu. Ngư dân thiếu vốn đối ứng đóng tàu mới, vốn vay lưu động với lãi suất 7%/năm như hiện tại chưa hấp dẫn với các chủ tàu.

 

Bộ NN&PTNT kiến nghị: Cần cho phép ngư dân đã có tàu công suất từ 400 CV trở lên được vay vốn mua ngư lưới cụ, thiết bị khai thác, gia cố vỏ tàu mà không bắt buộc phải thay máy mới; Việc điều chỉnh thiết kế tàu cá phù hợp với tập quán của bà con cần được đẩy nhanh hơn; Có quy định về việc nhập khẩu, sử dụng máy cũ cho tàu cá...

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, Nghị định 67 ra đời phần nào đáp ứng nguyện vọng của bà con ngư dân, nhưng quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc. Phó Thủ tướng lưu ý cần tăng cường tuyên truyền, kịp thời tháo gỡ, giúp ngư dân tiếp cận vốn vay theo nghị định. Chủ tàu trên 400 CV cần đầu tư trang thiết bị ngư lưới cụ cũng thuộc diện được vay vốn theo Nghị định 67.

 

Về đề nghị của các địa phương kéo dài thời gian cho vay lên 16 năm đối với tàu vỏ thép, tàu đóng mới lắp máy cũ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, cần nghiên cứu, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này.

 

Theo Nam Khánh

Tiền Phong

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *