Đời Sống 24/03/2015 15:30

Hàng ngàn người dân quay cuồng trong “cơn khát” nước sạch

FICA - Mỗi mùa khô đến, người dân tại 3 xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) lại quay cuồng với bài toán “tìm nước”.

Trong khi đó, dự án nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt vẫn chđược nhắc đến trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân nơi đây.

“Nỗi sợ” mùa khô

 

Hàng ngàn người dân quay cuồng trong “cơn khát” nước sạch
Anh Từ Quang Thành kéo đường ống dẫn từ xe bồn của mình để bán nước cho các hộ dân tại ấp 3, xã Phú Ngọc

 

“Đến hẹn lại lên”, những chiếc xe chở bồn nước đi bán chạy khắp các đường làng, ngõ xóm tại nhiều xã trên địa bàn huyện Định Quán đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây mỗi khi mùa khô đến. Dù tốn thêm chi phí để mua nước nhưng đối với hàng trăm gia đình đây là giải pháp, là nguồn nước duy nhất giúp họ có nước phục vụ sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến.

 

Ông Lê Trường An, ấp 1, xã Phú Ngọc cho biết: “Hàng chục năm nay, năm nào cứ đến mùa khô thì gia đình tôi cũng phải mua nước. Giếng đào nhà tôi chỉ dùng được trong mùa mưa, còn mua khô thì giếng cạn. Vì vậy, cách duy nhất để có nước sinh hoạt là mua nước từ các xe bồn. Ở đây, ai cũng sợ mùa khô”.

 

Hiện giá nước mà các xe bồn bán cho người dân trên địa bàn có giá khoảng 30.000 đến 40.000 đồng/m3. Nên dù sử dụng tiết kiệm lắm mỗi tháng mỗi hộ dân cũng phải mất thêm từ 100.000 đến 200.000 tiền mua nước.

 

Ngoài tiền mua nước, tại các địa phương này, nhà nào cũng phải tận dụng thêm các vật dụng để chứa nước. Nhà có điều kiện thì xây bể, không phải mua ống cống, thùng nhựa để tích trữ nước.

 

Xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Hơn 4.000 hộ thì có đến khoảng 80% số hộ phải mua nước để sử dụng.

 

 

Hàng ngàn người dân quay cuồng trong “cơn khát” nước sạch
Giếng nước của gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy, ấp 2, xã Phú Ngọc may mắn còn nước nhưng phục vụ nước sinh hoạt cho 5 gia đình nên cũng rất thiếu, buổi chiều bể cũng cạn kiệt nguồn nước

 

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc, dù địa phương nằm cạnh 2 con sông lớn (sông La Ngà và sông Đồng Nai) đồng thời tiếp giáp với lòng hồ Trị An nhưng hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Đỉnh điểm vào các tháng cao điểm mùa khô (tháng 3,4,5) thì nơi đây nguồn nước bị khô hạn nặng. Phần lớn hệ thống giếng trong xã cả giếng đào lẫn giếng khoan đều cạn nước.

 

Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng, nhiều gia đình đã đầu tư khoan giếng nhằm tìm kiếm cơ hội có nước phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng dù tốn hàng chục triệu đồng để khoan giếng với độ sâu 70 đến 80m thì việc làm này cũng chỉ là “cuộc tìm kiếm” mang tính “may rủi”. “Cứ 10 nhà khoan may ra mới được 1 nhà có mạch nước ngầm. Ngay như gia đình tôi dù đã đầu tư gần 50 triệu đồng để khoan giếng nhưng vẫn không có nước để dùng đành chấp nhận đi mua nước để sinh hoạt” - Anh Huỳnh Văn Đức, ấp 3, xã Phú Ngọc chia sẻ.

 

Mỏi mòn chờ nhà máy nước

 

Hàng ngàn người dân quay cuồng trong “cơn khát” nước sạch
Mùa khô đến người dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Định Quán lại phải mua nước để phục vụ sinh hoạt

 

Trước thực trạng thiếu nước của người dân vào mùa khô, dự án xử lý nước cho sinh hoạt tại đồi 107 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn được xây dựng. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn đầu tư.

 

Theo UBND xã Phú Ngọc, lâu nay người dân vẫn có thói quen sử dụng nước mưa để phục vụ sinh hoạt. Trong khi nhà máy nước vốn đầu tư lớn mà chỉ phục vụ vào mỗi mùa khô còn những tháng mùa mưa không bán được cho ai nên không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn đầu tư.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, mới đây, sau nhiều năm kêu gọi đầu tư nhưng không mang lại kết quả, UBND tỉnh đã chấp thuận cho UBND huyện Định Quán làm chủ đầu tư và bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện xây dựng dự án nhà máy nước. Hiện huyện đang hoàn tất hồ sơ sau đó sẽ đăng ký vốn. Khi hoàn tất các thủ tục này sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy.

 

Trong lúc chờ đợi nhà máy nước được triển khai xây dựng, những ngày này đối với nhiều người, mỗi khi mùa khô đến họ lại có thêm một việc làm “tay trái” kéo dài vài tháng trong năm là bán nước. “Quanh năm tôi làm rẫy nhưng khi vào mùa này tôi lại tranh thủ chạy thêm chiếc xe công nông của gia đình đi mua nước bán cho người dân sử dụng. Tuy chỉ là công việc mùa vụ nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình” - Anh Từ Quang Thành, một người chạy xe bán nước tại ấp 3, xã Phú Ngọc chia sẻ.

 

Vĩnh Thủy

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *