Đời Sống 02/04/2014 09:10

Gọi tên cầu bằng “ông nọ, bà kia”

Người Sài Gòn xưa có quy tắc đặt danh từ chung ông hoặc bà trước tên riêng con rạch, cây cầu… trước là để dễ nhớ, sau là ghi lại công tích của người đã góp cho dân trong vùng.

Hàng trăm tên cầu ở TP.HCM vừa phảng phất nét đặc trưng của vùng đất sông nước vừa phải tuân theo một số quy tắc, quy định…

 

Bà nhiều hơn ông

 

Tên rạch/cầu có từ “Bà” rất nhiều. Có thể kể ra một loạt tên rạch/cầu như Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp, Bà Đội... Những cặp danh từ chung/riêng ấy thường gắn với những vùng đất. Như sông Bà Cả Bảy chảy qua hai xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) dài 15 km từ ranh giới với Tây Ninh đến sông Láng Thé. Rạch/cầu Bà Hom vừa là khu vực phường 13, 14 (quận 6), vừa là con kênh ở xã Tân Tạo phân ranh quận Bình Tân với huyện Bình Chánh. Bà Tàng vừa là rạch/cầu, vừa là vùng đất được bao bởi các rạch ở phường 7, quận 8 trên đường Phạm Thế Hiển…

 

Gắn với tên “Ông” và quen thuộc thì có cầu Ông Buông ở quận 6; rạch Ông Cái ở quận 2; rạch Ông Cốm, Ông Đồ ở Tân Túc, Bình Chánh; rạch Ông Điền từ đất Cần Giuộc đổ vào sông Nhà Bè; rạch/cầu Ông Đội ở quận 7... Tên cầu nhiều khi còn gắn với những tích xưa. Như cầu Ông Thìn trên quốc lộ 50, bắc qua sông Cần Giuộc, nối hai xã Đa Phước và Quy Đức, huyện Bình Chánh. Dân gian truyền rằng Ông Thìn là tên người lái đò đưa khách sang sông. Cầu Ông Thìn được bắc dã chiến hồi năm 1925, từ năm 1999 đến 2001 cầu được xây mới bằng bê tông cốt thép dài 245 m.

 

Đếm lại số rạch/kênh/sông và cầu trên thì thấy tên bà nhiều hơn ông. Chuyện này được các nhà giao thông thủy/bộ và nghiên cứu xã hội giải thích: Do vùng đất Sài Gòn/Nam Bộ có số lượng và chiều dài của loại rạch/kênh nhỏ nhiều hơn rạch/sông lớn.

 

Số liệu từ Sở GTVT TP.HCM cho thấy trong hơn 1.317 km rạch/kênh/sông của TP thì loại nhỏ chiếm đến 1.000 km. Ngày xưa bên những bờ rạch/sông nhỏ có bắc cầu ván gỗ hoặc cầu khỉ thường có quán nước do các bà dựng lên. Còn đàn ông thì thường là chủ hoặc người lái đò ngang hoặc đò dọc trên các con rạch/kênh/sông lớn.

 


 
Cầu Trắng nối xa lộ Hà Nội với khu dân cư An Phú, An Khánh. Ảnh: LĐ

 

Lấy màu sơn đặt tên cầu

 

Việc lấy màu sơn để đặt tên cho cầu được người Nam Bộ/Sài Gòn sử dụng như một quy tắc chung. Điều thú vị là từ cách gọi của dân gian mà các nhà quản lý giao thông đô thị đã tiếp nhận và dùng để đặt tên chính thức cho các cây cầu. Việc này tiện lợi trong quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, thậm chí vẫn được dùng cả khi đã làm cầu mới, xóa cầu cũ và dùng để xác định địa danh, địa giới hành chính…

 

Ở đường Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), từ trăm năm trước có một nhánh đường sắt chuyên dụng chạy từ ga Gò Vấp xuống đến Tân Cảng. Ở nơi băng ngang nhánh Rạch Lăng có cây cầu sắt dành cho tuyến đường sắt này chỉ rộng 4,2 m, dài 64 m. Do cầu được sơn màu đỏ mà người ta đặt luôn tên cầu là cầu Đỏ. Từ năm 2008 đến 2013, Sở GTVT cho làm cây cầu bê tông cốt thép mới rộng hơn 26 m thay cầu sắt cũ. Dù cầu mới được sơn màu xám trắng nhưng người ta vẫn lấy tên xưa cũ mà đặt.

 

Dưới chân cầu Sài Gòn phía quận 2 ngay đầu đường Trần Não trước đây có cây cầu thép bắc ngang rạch Đá Đỏ. Do màu sơn của cầu đen trũi mà thành tên cầu Đen. Khoảng sau năm 2000 cây cầu sắt này được tháo bỏ thay bằng cầu bê tông cốt thép mới. Cùng lúc, phía cuối rạch gần cửa sông người ta cho làm cây cầu bê tông khác để nối thông đường chui dưới dạ cầu Sài Gòn. Do trên cùng rạch Đá Đỏ, tính từ phía cửa sông Sài Gòn lên, cách nhau không xa có hai cây cầu bê tông nên người ta “nhân bản” tên thành cầu Đen 1, cầu Đen 2.

 


 

Ở huyện Củ Chi, ngoài cầu Đen 1 còn có cầu Đen 2. Ảnh: LĐ


 
Cầu Ông Đụng trên tuyến đường Hà Huy Giáp, quận 12. Ảnh: LĐ

 

Cách phía trên cầu Đen 2 khoảng 500 m có cây cầu bê tông cốt thép mới xây từ sau năm 2000 để nối thông xa lộ Hà Nội với các tòa nhà của khu dân cư An Phú, An Khánh. Cầu làm xong nhưng chưa có tên để đặt.

 

Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2, kể khi đó có người đưa ra sáng kiến gọi đó là cầu Đen 3 luôn vì cùng nằm trên rạch Đá Đỏ. Thế nhưng một bác giao thông khác đã phán: “Dưới đã đen thì trên phải trắng chứ!”. Thế là từ ấy cầu mang tên là cầu Trắng, dù màu bê tông mặt cầu thì xám, còn dọc thành cầu thì phủ màu sơn xanh lét.

 

Ở Sài Gòn, cầu mang tên Trắng, tên Đen có khá nhiều. Như cầu Trắng thì trên tỉnh lộ 15, Củ Chi có một cây; đường Bùi Văn Ba ở quận 7 cũng có cầu mang tên cầu Trắng. Còn cầu Đen thì có trên đường Cây Gõ, xã An Phú, huyện Củ Chi; còn trên đường Võ Văn Bích, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi có cả cầu Đen 1 và cầu Đen 2… Những cây cầu này nay đều bằng bê tông cốt thép và nguyên thủy không phải là cầu sắt như ở đầu đường Trần Não, quận 2. Vậy vì sao chúng mang tên gọi sắc màu như thế?

 

Theo lý giải của các lão nông ở vùng Nhà Bè, Củ Chi thì ngày xưa ở những nơi um tùm, rậm rạp cây rừng thì cầu gỗ, cầu khỉ thường được sơn màu trắng; còn nơi cầu nằm giữa trảng cát, đất trắng thì được sơn màu đen. Màu sơn tương phản với màu đất, màu rừng cây lá cũng là để người đi qua dễ nhìn, khỏi lọt chân xuống mà thôi. Vì thế màu sơn thành tên gọi của cầu.

 

 

Thích cách gọi dân gian hơn

Nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh có ba cây cầu lớn được xây dựng từ năm 2001 đến 2004 là: Ông Lớn, Xóm Củi và Cần Giuộc. Cả ba cầu có cùng kết cấu dạng cầu vòm nổi phía bên trên bằng ống thép nhồi bê tông. Đây là dạng kết cấu, vật liệu kết hợp lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, góp phần làm đa dạng hóa kiến trúc công trình cầu đường. Sau khi xây dựng xong, người ta sơn cho cầu Ông Lớn màu đỏ, Xóm Củi màu trắng và Cần Giuộc màu đỏ. Căn theo màu sơn ấy, người dân đi từ Phú Mỹ Hưng về miền Tây lần lượt gọi ba cây cầu đã đặt tên ấy là: cầu Đỏ, cầu Trắng và cầu Đỏ Cần Giuộc. Cách gọi dân dã này dễ nhập tâm, dễ nhớ hơn những cái tên đã được “ông chủ” Phú Mỹ Hưng đặt.

Nhiều giai thoại truyền miệng

Quanh chuyện những cây cầu/con rạch mang tên ông nọ, bà kia có không ít giai thoại của ngành cầu đường, xin kể chuyện sau:

Trên tuyến đường Hà Huy Giáp, quận 12 có cầu tên Ông Đụng bằng bê tông cốt thép, dài 33 m, rộng 7 m và chỉ cho xe 25 tấn đi qua. Trên tỉnh lộ 9, huyện Củ Chi có cây cầu sắt Bailey dài 18 m, rộng 4 m và tải trọng chỉ dành cho xe ba bánh, xe tải từ dưới 2 tấn.

Hai cây cầu khác nhau về vật liệu và ở hai nơi xa thăm thẳm của TP thế mà được nhiều anh “tám” xe kết vào chuyện sau: Khoảng năm 1995, Sở GTVT thí điểm đấu thầu duy tu, sửa chữa, xây mới một số cầu trên địa bàn TP. Đến thời điểm đó mọi việc trên đều giao thầu cho một công ty cầu đường của một nữ tướng đảm trách. Từ giao thầu chuyển qua đấu thầu là một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực cầu đường và sẽ làm mất nồi cơm thơm của không ít người. Vì thế các nhà thầu mới đang hăm hở vào cuộc đấu thầu sửa chữa, xây mới cầu đường thì được nữ tướng kia “bắn” ngay lời nhắn: “Ông đụng tới, bà đội lên cho mà biết đó nghe!”.

“Đấu thầu thì anh nào bỏ rẻ anh đó thắng. Nhưng mình thì mới mà nghe “bà tướng” đòi “đội” lên như thế thì hãi lắm! Bỏ của mà chạy thôi!” - một nhà thầu nhớ lại. Giai thoại này cần kiểm chứng nhưng nó phản ánh sự gian nan của ngành giao thông khi chuyển đổi cơ chế.

Ngoài cầu Ông Đụng, Bà Đội trên, ở TP còn có những tên cầu nghe… mà hãi như: cầu Đập trên đường Nguyễn Cửu Phú, quận Bình Tân hoặc cầu Đá Hàng, trên hương lộ 6, Củ Chi (mặc dù đây là vùng nông thôn, ít có mấy tay du thủ, trộm cắp)… “Biết đâu sau này có chuyện gì mấy anh “tám” lại đưa Ông Đụng, Bà Đội ra đấu chán rồi Đập, không xong thì Đá Hàng luôn á!” - một cán bộ ngành GTVT nói.

 

Theo LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *