Đời Sống 03/02/2021 13:28

"Ế" 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn

Dân trí Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) lại một lần nữa phải tung chiêu "giải cứu" lượng thủy sản cực lớn tại huyện đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 1

Vân Đồn, Quảng Ninh được coi là vựa thủy sản của tỉnh này với diện tích nuôi trồng cực lớn 

Tỉnh, huyện chung tay cùng "giải cứu" vựa thủy sản

Theo thống kê từ UBND huyện Vân Đồn, hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.200 hộ nuôi thủy sản với khoảng gần 2.000 lao động; 3.000 ha nuôi trồng thủy sản (trong đó nuôi ngao, ốc hàu…chiếm 2.400 ha) trên toàn huyện.

Với đà phát triển như trên, dự tính tổng sản lượng hàu, ngao… có thể đạt tới 36.800 tấn, tính bình quân sản lượng thu hoạch và tiêu thụ của ngư dân huyện mỗi ngày sẽ đạt khoảng là 35 - 40 tấn ngao, 65 - 70 tấn hàu.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 2

Trên địa bàn huyện Vân Đồn có hơn 1.200 hộ nuôi thủy sản...

Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay từ năm 2020, thu hoạch của ngư dân trên địa bàn huyện Vân Đồn bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo nhiều hộ dân có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nguyên nhân là do, ngao, hàu… đã đến kỳ thu hoạch nhưng bế tắc đầu ra.

Còn theo huyện Vân Đồn, thực trạng trên được xác định là do từ trước tới nay, thị trường nước ngoài là nơi tiêu thụ chủ yếu sản lượng hàu của Vân Đồn. Thị trường trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thị trường nước ngoài đã bị đóng băng. Bên cạnh đó, khách du lịch đến địa bàn gần như không có nên việc tiêu thụ càng khó hơn.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 3

...trong đó chủ yếu là cá song, hàu

Trước thực trạng trên, UBND huyện đã vào cuộc, tung ra nhiều giải pháp, đồng thời liên tục báo cáo UBND tỉnh cùng các sở, ngành để hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cụ thể, huyện đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay cho các ngư dân. Đồng thời huyện cũng chủ động làm việc với một số doanh nghiệp được xác định có tiềm năng, nhất là các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) để hỗ trợ việc tìm mối tiêu thụ cho thủy sản.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 4

Tỉnh, huyện đã "tung chiêu" tháo gỡ

Bên cạnh đó, chính quyền huyện tung thêm nhiều "chiêu" như: Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống đại lý ở tỉnh ngoài, bán qua kênh mạng xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp tự đứng ra lập các xưởng thu mua, chế biến hoặc cấp đông; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế xuống giống trong thời điểm này.

Sở Công Thương tỉnh cũng đã vào cuộc kịp thời, triển khai rất nhiều biện pháp để hỗ trợ ngư dân Vân Đồn và một số địa phương tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Đơn cử như, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong cả nước; tuần thủy sản, tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Quảng Ninh.

Khó chồng khó

Trong khi những nỗ lực "giải cứu" thủy sản của huyện Vân Đồn cũng như tỉnh Quảng Ninh vừa có kết quả, sản lượng tiêu thụ bắt đầu tăng hơn thì đại dịch Covid-19 lại bùng phát. Ngư dân cũng như chính quyền huyện đảo này lại một lần nữa lâm vào cảnh lao đao.

Theo thống kê mới nhất của huyện Vân Đồn, hiện số lượng thủy sản cần tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại địa bàn gồm: 520 tấn cá song; 6.000 tấn hàu/tháng (tương đương 200 tấn/ngày)…

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 5

Đầu năm 2021, khi nỗ lực giải cứu của tỉnh, huyện đang khả quan thì dịch Covid-19 lại bùng phát.

Trao đổi với Dân trí, ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn xác nhận, số cá trên là do không tiêu thụ được dồn dần vào thành số lượng lớn như vậy. Còn đối với hàu thì với sản lượng 6.000 tấn/tháng, trước tiêu thụ hết hàng tháng thì không sao, nay không tiêu thụ được thì sẽ tồn đọng lại như vậy.

Cũng theo ông Hùng, sở dĩ thủy sản, cụ thể là hàu vẫn phát triển được trong thời gian qua chủ yếu là do chế biến, đóng gói xuất khẩu còn để nguyên vỏ vận chuyển thì tiêu thụ được rất ít. Tuy nhiên từ năm 2020, do trục trặc không xuất khẩu được phải quay đầu để chờ tiêu thụ trong nước thông qua Sở Công Thương và qua một số công ty đang mua bán tại đây. 

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 6

Huyện Vân Đồn hiện tồn đọng hơn 500 tấn cá song, 6.000 tấn hàu...

Huyện cũng đang nỗ lực kêu gọi các nhà sản xuất, phân phối trong nước chung tay với huyện tiêu thụ và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thu mua vận chuyển hàng đi thì dịch bùng phát.

Theo ông Hùng, khó khăn bà con ngư dân đang phải đối mặt là huyện đang trong giai đoạn một số địa phương và toàn huyện đang thực hiện phong tỏa tạm thời, giãn cách xã hội. Mà theo quy định phong tỏa thì xe của huyện chở hàng cần tiêu thụ đến chỗ phong tỏa buộc phải dừng lại và chuyển tải sang xe của chủ hàng để họ vận chuyển đi.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 7

Với sản lượng 6.000 tấn hàu/tháng chỉ cần ách lại một tháng là số lượng tồn đọng rất lớn.

"Như vậy đã khó sẽ lại càng khó thêm vì vận chuyển kiểu như vậy sẽ phát sinh thêm chi phí, chưa kể quá trình sang tải chất lượng hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, nhất là mặt hàng hải sản", ông Hùng nói.

"Giải cứu" thế nào?

 Theo ông Trương Mạnh Hùng, ngay khi đầu ra nước ngoài tắc huyện cũng đã tính đến phương án tiêu thụ hàu đã chế biến trong nước và bước đầu có kết quả nên vẫn tiếp tục duy trì hướng đi này.

Cũng theo ông Hùng, về lượng cá tồn đọng thì dễ xử lý hơn do ngư dân có thể nuôi thêm nếu chưa tiêu thụ được. Tuy nhiên chỉ cá song là để tươi vận chuyển được còn một số loại cá khác buộc phải cấp đông và cần phải có xe chuyên dụng để vận chuyển.

Do đó, theo ông Hùng, giải pháp trước mắt để tiêu thụ được lượng thủy sản trên là đề xuất tỉnh cho phép các phương tiện vận tải chở các loại hàng đặc dụng có tính đặc biệt được vào Vân Đồn chở hàng sau khi đã thực hiện phun khử khuẩn và được kiểm soát chặt chẽ y tế cả lái xe lẫn phụ xe.

Còn theo ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, trong các cuộc họp tỉnh và huyện đều chỉ đạo phải thực hiện song song giữa công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo phát triển kinh tế.

Ế 520 tấn cá song, 6.000 tấn hàu tại vựa hải sản Vân Đồn - 8

Một lần nữa, tỉnh, huyện lại phải bàn cách "giải cứu" 

Tuy nhiên với bối cảnh dịch bệnh hiện tại thì không thể đi đến các địa phương khác để tổ chức quảng bá, xúc tiến được. Do vậy huyện buộc phải liên lạc qua điện thoại chắp mối với các đầu mối là các đơn vị huyện đã từng đến, giới thiệu, kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trước đó; sau đó giao các phòng, ban chuyên môn liên lạc để xúc tiến.

"Đó là một kênh, kênh thứ 2 là huyện báo thường xuyên cáo số liệu về tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương để sở tiếp tục có biện pháp, tham mưu tỉnh. Hiện tỉnh cũng đã có một số văn bản về việc kêu gọi, hỗ trợ địa phương", ông Dương nói.

Còn theo Sở Công Thương tỉnh, để giải quyết và tháo những nút thắt trong việc tiêu thụ sản phẩm trên, sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tăng cường tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu trực tiếp, trực tuyến để kết nối với các đơn vị phân phối với các đơn vị sản xuất trong tỉnh nhằm hỗ trợ người sản xuất trong tỉnh tìm kiếm bạn hàng mới…

Đồng thời, việc cung cấp các thông tin, chính sách pháp luật về xuất nhập khẩu để doanh nghiệp tìm hiểu và tìm ra hướng đi phù hợp, hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường truyền thống, tìm được thị trường mới tiềm năng…

Đặc biệt, mới đây, ngày 1/2, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Quảng Ninh đã có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đây là động thái nhằm hỗ trợ một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người dân và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm sản xuất hàng hóa nông sản, thủy, hải sản như: Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn.

Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, những cách làm như trên chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt; còn về lâu dài, cần phải có giải pháp hữu hiệu, bền vững hơn. Tiến tới, huyện sẽ chủ động nghiên cứu, điều chỉnh diện tích, đối tượng nuôi gắn với hình thành chuỗi chế biến, tiêu thụ, nhất là nhuyễn thể để tránh rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

An Nhiên

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *