Đời Sống 01/11/2020 08:45

Đăng thông tin lên Internet, tôi trở thành "con mồi" của kẻ lừa đảo

Người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai cũng như không truy cập vào các đường link lạ để tránh tình trạng bị lừa mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Sáng 30/10, tôi có đăng tải lên một số trang rao vặt để bán chiếc điện thoại cũ của mình với mức giá 8,3 triệu đồng. Bên cạnh các thông tin về máy, một số thông tin khác về bản thân như số điện thoại và địa chỉ cũng được tôi đính kèm để thuận tiện hơn trong việc trao đổi, mua bán.

Mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu tôi không trở thành con mồi của những kẻ chuyên lừa đảo trên Internet. Đến trưa 30/10, tôi nhận được cuộc gọi hỏi mua máy thông qua một ứng dụng OTP. 

Đăng thông tin lên Internet, tôi trở thành con mồi của kẻ lừa đảo - 1

Kẻ gian liên hệ với tôi thông qua một ứng dụng nhắn tin OTP và nói rằng bản thân ở Nhật Bản.

Ngay khi kết nối, người này lập tức hỏi số tài khoản ngân hàng của tôi và đề nghị chuyển khoản trước 5 triệu đồng để đặt cọc tiền mua máy. Điều này khiến tôi cảm thấy khá ngạc nhiên vì người mua thậm chí còn không hỏi về tình trạng của thiết bị cũng như chưa xem máy ở ngoài mà đã chủ động trả tiền trước.

“Mình sống bên Nhật Bản nên không thể đến xem máy trực tiếp. Tuy nhiên, vợ mình vẫn ở Hà Nội nên tối nay mình sẽ nhờ cô ấy qua trả nốt số tiền còn lại để lấy máy”, người này giải thích với tôi trong điện thoại.

Tôi có đưa ra đề nghị rằng với người này rằng vợ anh ta có thể thanh toán bằng tiền mặt và không cần trả trước qua ngân hàng. Tuy nhiên, người này một mực đòi thông tin số tài khoản của tôi để thanh toán trước với lý do là người vợ ở nhà không có sẵn tiền mặt.

Khoảng 1 tiếng sau, người này liên tục gọi cho tôi là nói rằng anh ta đang ở trong một ngân hàng tại Nhật Bản để thực hiện giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài. Đồng thời, người này cũng yêu cầu tôi truy cập vào một đường link mà ngân hàng đó gửi và nhập số tài khoản cũng như mã OTP để có thể nhận được tiền.

Nhận thấy điều bất thường và dấu hiệu lừa đảo tương tự nhiều vụ việc trước, tôi từ chối thực hiện theo. Người này liên tục to tiếng quát mắng và sau đó chặn liên lạc của tôi. Không khó để nhận thấy, người này đang sử dụng chiêu trò lừa đảo để đánh cắp mã OTP tài khoản ngân hàng của tôi.

Trước đây, nhiều người cũng từng trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Giữa tháng 9 vừa qua, anh Nguyễn Tuấn Anh, một nhà thiết kế nội thất tại TP.HCM đã bị kẻ gian lừa mất 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng với cách thức tương tự.

Đăng thông tin lên Internet, tôi trở thành con mồi của kẻ lừa đảo - 2

Nhiều người từng bị lừa hàng trăm triệu đồng vì chiêu trò này.

Theo Bộ Công an, đây là thủ đoạn mà bọn lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Các nhóm lừa đảo đóng giả là người Việt Nam đang ở nước ngoài, đặt mua hàng và đề nghị chuyển tiền trả trước cho người bán thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Nhóm lừa đảo có thể làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ gửi cho bị hại làm nạn nhân nghĩ là bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.

Đồng thời, bọn lừa đảo sẽ chuyển đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union qua các ứng dụng Zalo, Facebook... rồi hướng dẫn bị hại đăng nhập vào đường link này.

Sau khi có được thông tin, nhóm lừa đảo sẽ chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của họ. Để hoàn tất việc trộm tiền trong tài khoản, nhóm lừa đảo sẽ gửi tin nhắn yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP trên trang web giả. Khi nạn nhân điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, việc chiếm đoạt tiền của nhóm lừa đảo cũng đã xong.

Thế Anh

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *