Đời Sống 18/03/2014 16:11

Đà Nẵng: Dân nuôi cá bè không biết đi về đâu

Những hộ dân ở khúc sông Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng nhiều năm nay sống trong lo âu từng ngày trước quyết định của UBND TP Đà Nẵng không cho phép nuôi cá bè trên sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò.

Gần đây nhất là cuối tháng 10/2013 UBND TP Đà Nẵng có công văn gia hạn thời hạn cuối cùng về việc nuôi cá bè trên 2 khúc sông Cẩm Lệ và Cổ Cò. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay những bè cá vẫn được các hộ dân nuôi tại 2 khúc sông này vì họ không biết đi đâu, làm gì?

Thí điểm thành công

Năm 2005, nhiều hộ dân sống dưới chân cầu Tuyên Sơn đa phần làm nghề chài lưới, sau khi nhượng lại đất cho các dự án được đền bù chuyển về phường Hòa Cường, quận Hải Châu.

Trong khi đó TP không cho ngư dân đánh bắt gần bờ nên cuộc sống của những người dân bám mặt nước này không rơi vào ngõ cụt.
 

Những hộ ngư dân đánh ba9t1 ven bờ bị giải tỏa đã tìm ra lối thoát nhờ nghề nuôi cá bè


Nhận thấy có khả năng phát triển nghề nuôi trồng trên sông Cẩm Lệ, năm 2005-2006 Phòng Kinh tế Hải Châu và Trung tâm Khuyến ngư - Nông lâm TP Đà Nẵng nghiên cứu và đưa vào triển khai Dự án nuôi cá điêu hồng tại ngã ba sông Cẩm Lệ nhằm giải quyết việc làm cho những hộ dân này.

Bước đầu chỉ có 10 hộ dân trên địa bàn Hòa Cường Nam là mạnh dạn thử nuôi cá bè bởi tiền vốn ban đầu bỏ ra làm bè và mua cá giống quá lớn lại rủi ro do chưa làm bao giờ, nay lại phải vay vốn nên nhiều hộ vẫn còn e ngại.

Mười hộ dân được đưa đi tập huấn chuyển đổi ngành nghề nuôi cá lồng theo mô hình thí điểm.

Đầu năm 2006 họ bắt đầu triển khai mô hình nuôi thử và bước đầu đã thành công. Dần dà, nhiều hộ dân khác cũng bắt đầu làm bè nuôi cá tại khúc sông này.

Ông Đặng Nữ (hội viên hội nông dân Hòa Cường Nam) cũng là những hộ dân đầu tiên nuôi thí điểm cá bè, đến nay cũng được gần chục năm cho biết: Đời sống của những hộ dân trong chi hội thoát được nghèo là nhờ vào những bè cá điêu hồng, mỗi năm thu hoạch được 2 mẻ cá với hàng chục tấn.

Mỗi tấn trừ chi phí xong lãi từ 10 đến 15 triệu nên cuộc sống từng hộ dân từng bước đi vào ổn định.

Nhờ vào điều kiện tự nhiên của khúc sông Cẩm Lệ nươc chảy êm, không ô nhiễm chất thải công nghiệp, đoạn sông đặt bè rộng, thông thoáng phù hợp với sự phát triển của cá điêu hồng. Đến nay đã có khoảng gần 40 hộ nuôi cá bè trên khúc sông này.

Thành công xong lại cấm

Những người dân quanh năm chỉ biết đến sông nước đang hân hoan, sung sướng vì kiếm được nghề bám sông bám biển, cái nghề nuôi cá bè đây triển vọng, ước mơ tươi sáng cho con em họ là đây.

Thình lình tháng 3/2006, các hộ dân nuôi cá lồng bè nhận được công văn số 1012 của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng thông báo không đồng ý cho nhân dân nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ.

Ngay lập tức, các ngành chức năng và UBND Q. Hải Châu liền kiến nghị UBND TP xem xét lại chủ trương và Chủ tịch UBND TP đã đồng ý tạm thời cho 10 hộ dân P. Hòa Cường Nam được tiếp tục nuôi trong 3 năm với hạn cuối là ngày 20-3-2009 nhưng tránh tình trạng tăng số lượng, kích thước lồng nuôi và gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng đến tháng 10-2008, các hộ dân khác tự động làm bè nuôi cá mà không có giấy phép, UBND TP đã ban hành Công văn số 6404 cho rằng, việc nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ là không phù hợp quy hoạch, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường, do đó không đồng ý gia hạn việc nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ.

Nếu các hộ dân có nhu cầu tiếp tục nuôi, giao Sở NN&PTNT làm việc với các sở, ngành liên quan tìm vị trí khác nhưng phải phù hợp với quy hoạch.

Ông Đặng Nữ chia sẻ: “Mùa đông nước ở khúc sông Cẩm Lệ có tốc độ dòng chảy mạnh nên phải chuyển lồng bè lên khúc sông Cổ Cò (thuộc Q. Ngũ Hành Sơn) nuôi thì UBND TP lại ban hành các văn bản không đồng ý cho nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò. Nhưng lại chưa hề đưa ra được quy định hay hướng dẫn nào về vị trí phù hợp quy hoạch nuôi cá bè. Do đó, người dân vẫn tiếp tục nuôi cá lồng bè trên 2 sông này”.

Bất chấp UBND TP ban hành các văn bản quyết liệt nhắc nhở hạn cuối nuôi các lồng bè trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò vào ngày 31-10-2013 người dân vẫn tiếp tục công việc của mình bao năm nay. “Cấm thì cấm, nuôi thì nuôi. Cuộc sống không làm lấy chi ăn” - ông Đặng Nữ nói như vậy.

Tương lai bấp bênh


Cuộc sống của những hộ dân nơi đây đã bị xáo trộn với quyết định di dời dân về nơi ở mới, dự án TP không cho đánh bắt gần bờ trong khi họ là những ngư dân nghèo khó không đủ khả năng sắm tàu thuyền lớn đáng bắt xa bờ.

Ông Đặng Nữ: Chúng tôi không biết đi đâu!


Nay cuộc sống nơi ở mới đã ổn định với những lồng cá đầy ắp họ lại một lần nữa chao đảo với quyết định của TP về việc cấm nuôi cá lồng bè trên hai khúc sông này.

Anh Đặng Văn Dũng (sinh 1971) một hộ nuôi cá bè nói : “Người dân ở đây quen với cuộc sống sông nước rồi lên bờ khó sống lắm. Trình độ dân biển thấp, lên bờ chỉ có làm xe ôm, thợ nề… Những nghề đó bấp bênh lắm làm sao nuôi nổi gia đình”.

Những hộ dân nuôi cá bè đang đứng giữa ngã ba đường, họ không biết phải làm sao. Thực hiện như công văn TP đưa xuống thì gia đình họ sẽ khổ, trong khi TP chưa có hướng giải quyết công ăn việc làm cho họ.

Ông Nữ chia sẽ: “Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc hết vào bè cá để kiếm cơm nay bảo bỏ miếng cơm của cả gia đình đi, ai là người làm cho được. Chúng tôi đa phần đã lớn tuổi giờ không còn nghề gì để làm được cả, chỉ có một là đánh bắt xa bờ, hai là nuôi cá lồng bè, nhưng đánh bắt xa bờ giờ đây không còn đủ sức, nay chỉ còn cá lồng bè mà thôi. Chủ trương TP cấm thì phải chấp hành, có điều nhân dân sẽ gặp khó khăn”.

Họ đang phập phồng lo cho miếng cơm của mình bi đánh mất, và tương lai hoàn toàn mờ mịt.

Theo Huyền Trang

Một thế giới

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *