Đời Sống 02/02/2015 07:59

Công khai đổi tiền lẻ ăn tiền chênh trên Facebook

FICA - Không chỉ diễn ra tại khu vực đình chùa, nhiều cá nhân đang công khai việc đổi tiền lẻ trên các trang mạng xã hội để ăn tiền chênh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có hoạt động đổi tiền lẻ. Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, hoạt động đổi tiền lẻ không chỉ vẫn diễn ra tại khu đình, chùa mà còn ngang nhiên trên mạng xã hội. Tại khu vực Hà Nội, cách Tết Nguyên Đán chưa đầy một tháng, các lời quảng cáo đổi tiền lẻ đang phát tán rầm rộ trên mạng xã hội Facebook. Đổi tiền lẻ rẻ nhất Hà Nội, hay Đổi tiền lẻ Ship tận nơi... liên tục xuất hiện, những chủ đổi tiền lẻ còn đưa ra cả số điện thoại nóng để dễ liên lạc kèm lời cam kết: "Giá đổi tốt nhất”.

 

Rao đổi tiền lẻ ăn chênh trên mạng xã hội
Rao đổi tiền lẻ ăn chênh trên mạng xã hội

 

Mức phí ăn chênh lệch của “đổi tiền lẻ online” từ 5-30%. Tiền mệnh giá càng thấp, tỷ lệ chênh lệch càng lớn. Hầu như tất cả các địa chỉ mạng đổi tiền đều khẳng định có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về số lượng cũng như các mệnh giá từ nhỏ nhất 200, 500, 1000, 2000, 5000, 10.000 đồng cho tới các mệnh giá lớn hơn. Nhiều địa chỉ mạng còn cam kết tiền mới, seri đẹp, rồi tiền in hình con dê may mắn cho năm Ất Mùi.

 

Dù phía ngân hàng nhà nước tuyên bố không in thêm tiền lẻ mới nhưng lượng tiền lẻ có trên thị trường vẫn rất nhiều. Lý giải điều này - Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, có thể là do người dân giữ từ lâu, ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Thực tế, tiền mệnh giá nhỏ do giá trị không lớn nên nhiều người dân vẫn găm giữ để kinh doanh vào dịp Tết. Hiện có thể vẫn còn một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ còn tồn một ít tại một số các ngân hàng. Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được đưa ra thị trường vào dịp Tết.

 

Vẫn theo ông Tú, các năm trước việc xử phạt được thực hiện nơi có nơi không, nhưng năm nay Chính phủ đã có Nghị định 96/2014/NĐ-CP, đổi tiền là hoạt động không được phép. Do những công cụ để xử phạt đã đầy đủ nên chắc chắc các cơ quan chức năng sẽ rất quyết liệt để loại bỏ hình thức dịch vụ đổi tiền trong dịp Tết Nguyên đán

 

Hiện nay NHNN phối hợp cùng các cơ quan gồm công an, quản lý thị trường, thanh tra NH NN, văn hóa thể thao du lịch... để kiểm tra, giám sát quyết liệt hơn để xử phạt nghiêm những đối tượng có hành vi đổi tiền.

 

Mới đây, BộVăn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn số 71/BVHTTDL-VHCS gửi tới các địa phương, chỉ đạo việc tiếp tục tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội.

 

Lê Tú

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *