Đời Sống 15/03/2014 07:32

Chuyện ghi ở sân bay những ngày tìm máy bay mất tích

FICA - Ngay sau khi thông tin sân bay Cà Mau sẽ là một trong những địa điểm đậu và cất cánh của trực trăng đi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, khoảng 30 phóng viên trong và ngoài nước đã lập tức có mặt, bám trụ tại đây tác nghiệp.

Các phóng viên chờ tác nghiệp trong sân bay Cà Mau.


Những ngày đầu, ở sân bay Cà Mau luôn “nóng” với các tin tức liên quan đến hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích. Từng chuyến bay ra biển của các trực thăng Mi 171 thuộc Trung đoàn 917 (Sư đoàn không quân 370) đều được các phóng viên cập nhật đưa tin, không kể sáng, trưa hay chiều tối. Và có lẽ chưa bao giờ sân bay nơi điểm cuối Tổ quốc này lại có đông đảo phóng viên đổ về cùng lúc đến thế.

Những ngày "trực chiến" ở sân bay Cà Mau, cánh phóng viên chúng tôi mang nhiều cảm xúc lẫn lộn; khi căng thẳng, khi hồi hộp lo lắng, lúc tràn trề hy vọng... Tâm trạng "bám" theo từng chuyến bay trực thăng cất cánh ra biển.

Cứ mỗi chuyến bay cất hay hạ cánh, hàng chục nhà báo với lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay, máy ghi âm… ùa đến chụp hình, phỏng vấn cơ trưởng, phi công: Hôm nay trực thăng bay tìm tọa độ nào? Có thông tin gì mới? Có phát hiện gì không?... Nhưng hy vọng rồi lại thất vọng khi câu trả lời thường đều là “không phát hiện gì”. Cứ thế, sự chờ đợi, hồi hộp nối dài mỗi ngày.




Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau (áo sọc trắng) tận tình đưa và hướng dẫn phóng viên lên trực thăng ra biển tìm máy bay mất tích.


Có một niềm động viên là các phóng viên tại sân bay Cà Mau được tác nghiệp trong điều kiện rất thuận lợi với sự tương trợ của cán bộ và nhân viên ở sân bay. Cứ khoảng 5h đến 7h45 hàng ngày, không khí tại sân bay Cà Mau khá náo nhiệt bởi đây là thời điểm hành khách đi máy bay dân dụng đến làm thủ tục bay đi Hà Nội hoặc TPHCM. Mỗi ngày mỗi chuyến, khoảng 7h là máy bay đáp xuống và 7h35 phút lại cất cánh. Những ngày này, phòng chờ ở sân bay trở thành nơi gặp gỡ giữa phóng viên và những hành khách xa lạ. Vì thế, hết làm nhiệm vụ phục vụ hành khách, cán bộ và nhân viên sân bay lại phải “phục vụ” cả cánh báo chí. Vất vả hơn nhưng ai cũng nhiệt tình hỗ trợ với cùng một suy nghĩ, tất cả vì những người có thể đang gặp nạn ngoài biển khơi.



Săn tin.


Khi trực thăng quay trở về hạ cánh xuống sân bay, các phóng viên cũng được lãnh đạo sân bay tạo điều kiện cho vào bên trong để ghi nhận thông tin. Các nhân viên sân bay lại tất bật với việc hướng dẫn, bảo đảm an ninh. Qua sự hỗ trợ này, các nhà báo tiếp cận để có thông tin mới nhất và sân bay cũng được đảm bảo an toàn theo quy định.


Các phóng viên có chỗ tác nghiệp khá thuận lợi tại sân bay Cà Mau.


Tác nghiệp trong điều kiện phải bám trụ nhiều ngày, các phóng viên cũng chia sẻ với nhau tình đồng nghiệp không biên giới.


San sẻ với nhau từng miếng ăn lót dạ trong lúc chờ tin


Thời điểm này, công tác tìm kiếm máy bay mất tích của Việt Nam đã chuyển từ trạng thái khẩn cấp sang trạng thái thường xuyên; không khí đã không còn căng thẳng, nóng như những ngày đầu; song vẫn còn nhiều phóng viên tiếp tục đeo bám thông tin tại sân bay Cà Mau. Một sự kiện chưa biết khi nào mới có hồi kết, những ngày qua đã để lại trong mỗi phóng viên chúng tôi những kỷ niệm khó quên của cuộc đời làm báo.

Huỳnh Hải

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *