• -
Đời Sống 04/12/2013 07:29

Biệt thự triệu đô, rừng cây trăm tỉ?

Hồi tháng 10, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Giáo hoàng Francis đã thẳng tay miễn nhiệm giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst vì “lối sống xa hoa”.

 
Tòa dinh thự nguy nga và bề thế được cho là của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
 

Hồi tháng 10, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Giáo hoàng Francis đã thẳng tay miễn nhiệm giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst vì “lối sống xa hoa”.

 

Franz-Peter Tebartz-van Elst, từng được truyền thông Đức gọi là “giám mục lấp lánh”. Lấp lánh từ những chuyến bay hạng nhất đến Ấn Độ để… thăm hỏi người nghèo. Lấp lánh cho đến khoản 31 triệu euro để sửa sang dinh thự riêng với những phòng tắm xa hoa 15.000 euro, bàn hội nghị 25.000 euro. Và ngay cả nhà nguyện nữa, gọi kiểu Việt Nam là “nhà nguyện dát vàng”, với trị giá tới 2,9 triệu euro.

Trong nỗ lực “minh bạch hóa” hoạt động của Vatican, lần đầu tiên Viện Giáo vụ (còn gọi là Ngân hàng Vatican), xưa nay vẫn được coi là “vùng cấm” của tòa thánh, đã công khai tình hình tài chính mà nhiều thập niên qua luôn bị chỉ trích là hoạt động thiếu minh bạch.

 

Nói đến sự minh bạch, không thể không nhắc lại trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông Ba Lan - ông Slawomir Nowak - người bị buộc phải từ chức chỉ vì một chiếc đồng hồ 6.000USD không có trong danh mục kiểm kê tài sản cá nhân.


Sự minh bạch, thật đơn giản, chỉ là những “lấp lánh” cần phải miễn nhiệm.

 

Còn những bản kê khai tài sản, phải chăng nó chỉ có giá trị khi giúp người ta có được câu trả lời nguồn gốc khi xuất hiện trong nhà một quan chức thứ gì đó, tỉ dụ như cái đồng hồ, chiếc xe hơi?

 

Phải viết về kê khai tài sản. Phải viết về sự minh bạch, bởi gần một tuần qua, công luận đang phải đối mặt với một sự im lặng đáng sợ sau khi những thông tin về biệt thự “khủng” của Chủ tịch Bình Dương được công khai phần nào trên báo chí.

 

Nào là rừng caosu ngót 100ha, với mỗi hécta có giá 1,2 - 1,3 tỉ đồng. Nào là dinh thự cả ngàn mét vuông, trị giá 20 tỉ đồng, thuộc vào loại sang trọng nhất tỉnh. Chưa biết độ chính xác của những thông tin này đến mức nào, nhưng ít nhất thì dư luận cũng chờ đợi từ ông chủ tịch tỉnh một lời giải thích.

 

Những cái bề nổi, có thể thấy bằng mắt thường đó, rõ ràng là nguồn cơn của những dấu hỏi trong mắt dư luận, nhất là khi so với mức lương chủ tịch tỉnh, một sự so sánh thật “hóm hỉnh hài hước”. Nhất là xem lý lịch trích ngang, thì từ năm 1978 đến nay, vị chủ tịch tỉnh quanh đi quanh lại vẫn chỉ làm mỗi một nghề là “làm cán bộ”.

 

Bình Dương phải trả lời công luận. Đó là nguyên tắc. Ông chủ tịch tỉnh phải trả lời, để ít nhất dư luận được giải thích đó là “tài sản từ mồ hôi nước mắt” của ông, hoặc đó là tài sản của con trai ông, để ít nhất khẳng định nghề “làm cán bộ” không có nghĩa là có thu nhập bằng biệt thự triệu đô, rừng cây trăm tỉ.

 

Chống tham nhũng có lẽ phải được bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhất là trả lời công luận về những tài sản mà dư luận đang đặt câu hỏi.

 

Nhớ trong thông báo của Vatican về trường hợp giám mục Franz-Peter Tebartz-van Elst có một câu, rằng: “Một tình huống đã được tạo ra trong đó vị giám mục không còn thực hiện nhiệm vụ giám mục”. Trong trường hợp Bình Dương, cũng đang có một tình huống. Ông chủ tịch tỉnh đang yên lặng trước những dấu hỏi từ dư luận.

 

Theo Đào Tuấn 

Lao Động

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *