Đời Sống 17/09/2014 06:27

Bão suy yếu thành áp thấp, Hà Nội nguy cơ ngập lụt

FICA - Trong sáng nay 17/9, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Bắc Giang còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8.

Bản tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 12, đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật mạnh cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật mạnh cấp 6 - 8.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 60 - 110mm, có nơi cao hơn như Lạng Sơn 114mm, Mẫu Sơn 254mm, đảo Cô Tô 175mm, Sơn Động 120mm, Nam Định 134mm, Thái Bình 127mm.

Hồi 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 102,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).

Trong sáng nay (17/9), ở Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật mạnh cấp 8 - 9. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Bắc Giang còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 5 - 6. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to.

Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 20/9 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 6m, ở hạ lưu từ 2 đến 3m. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2 (31m), sông Lô tại Tuyên Quang lên trên mức báo động 1 (22m) ; sông Lục Nam tại Lục Nam lên trên mức báo động 2 (5,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức dưới báo động 2 (5,3m).

Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; các nhánh suối thượng nguồn sông Kỳ Cùng thuộc huyện Đình Lập, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sapa (tỉnh Lào Cai), Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

“Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình”, bản tin nhấn mạnh.

An Hạ

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *