Đời Sống 09/05/2019 19:05

4-6% vụ tai nạn giao thông do nồng độ cồn cao gây nên

“4-6% vụ tai nạn được công an xác nhận là do nồng độ cồn cao gây nên. Tuy nhiên, số liệu này nói chung là không chính xác và cũng không nước nào có thể có số liệu này chính xác được”, TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định vào chiều nay (9/5).

Nhận định này của ông Hùng đã được đưa ra trong buổi Lễ công bố và ký kết Chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2019”.

Theo đó, ông Hùng giải thích rằng: “Tại thời điểm xảy ra tai nạn thì trước tiên phải đưa nạn nhân đi cấp cứu đã, chứ không ai lại đi đo nồng độ cồn xem cao hay thấp nên con số về tỷ lệ những vụ tai nạn gây ra bởi nồng độ cồn cao là không thể chính xác 100% được”.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, theo báo cáo mới đây từ Bộ Y tế, 36,7% nạn nhân tai nạn giao thông đã vào viện cấp cứu rồi vẫn có nồng độ cồn cao.

Lễ công bố và ký kết Chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2019” vừa diễn ra vào chiều nay.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) vừa tổ chức Lễ công bố và ký kết Chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2019” vào chiều nay (9/5).

Chương trình được xây dựng nhằm cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam với sự phối hợp tích cực của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp đồ uống có cồn; góp phần đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững và hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tại buổi lễ, ông Jonathan Chew, Phó Giám đốc Đối ngoại, Bền vững và Trách nhiệm xã hội của Công ty Pernod Ricard, đại diện APIWSA cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, các chương trình của chúng tôi đã có mặt tại 39 tỉnh ở cả ba miền của Việt Nam. Những chương trình này đã góp phần vào việc giảm 11,6% tỷ lệ tử vong và 41,2% tỷ lệ người bị thương do tai nạn giao thông từ năm 2013 đến năm 2017”.

Đáng nói, ở các tỉnh nơi thực hiện các chương trình can thiệp cụ thể, các kết quả thu được cũng rất đáng khích lệ, ví dụ như tai nạn giao thông ở Đà Nẵng giảm 40%, Bắc Giang giảm 37%, và Bình Thuận giảm 35% từ năm 2013 đến năm 2015.

Ông Jonathan Chew, Phó Giám đốc Đối ngoại, Bền vững và Trách nhiệm xã hội của Công ty Pernod Ricard, đại diện APIWSA.

Bên cạnh đó, những chương trình này cũng góp phần làm giảm 7% các vụ tai nạn, 4,7% các vụ tử vong và 22% các trường hợp bị thương do tai nạn giao thông vào năm 2017, cũng như giảm hơn 400 người tử vong do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia trong năm 2018.

Theo đó, ông Hùng nhận định: “Sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện thành công công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Đại diện cho Diễn đàn Uống có Trách nhiệm Việt Nam, Ông Paul Auriol, Đồng Chủ tịch VARD cũng chia sẻ những nỗ lực của diễn đàn nhằm thúc đẩy nâng cao văn hóa uống có trách nhiệm.

“Những chương trình của chúng tôi chú trọng về việc giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa uống có trách nhiệm và giảm thiểu tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn, uống rượu, bia khi chưa đủ tuổi, uống rượu bia khi lái xe, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các quy tắc ngành trong hoạt động thương mại và tiếp thị của các doanh nghiệp”, ông Auriol nói.

Đây là năm thứ 3 tiếp nối Chương trình hợp tác giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD).

Hồng Vân

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *