Đời Sống 17/05/2015 16:00

“Đã có lao động thì không có nghề nào thấp hèn”

“Trong các câu chuyện về Bác, tôi thích nhất là câu chuyện Bác ra đi tìm đường cứu nước với đôi bàn tay trắng. Tôi nghĩ, nếu mình có lao động thì không có nghề nào thấp hèn” - chị Võ Thị Hoa - công nhân điển hình về học tập và noi theo gương Bác - chia sẻ.

Theo sự giới thiệu của Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Phú Quốc (Kiên Giang), chúng tôi tìm đến nhà chị Võ Thị Hoa - Tổ trưởng tổ vệ sinh đường phố thuộc Ban quản lý công trình công cộng huyện Phú Quốc. Chị Hoa là một trong những tấm gương điển hình về việc học tập và noi theo gương Bác mà đơn vị phát động trong nhiều năm qua.  

 

Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc chị Hoa chuẩn bị đi làm. Chị Hoa nán lại và kể cho chúng tôi nghe về công việc quét rác của chị khi đặt chân đến đảo Phú Quốc lập nghiệp gần 18 năm qua: “Vợ chồng tôi đều ở miền ngoài vào đây lập nghiệp. Lúc đó, vốn liếng không có, chữ nghĩa không được bao nhiêu và nghề nghiệp cũng không, do vậy tôi xin đi làm công nhân quét rác, còn chồng tôi làm cho một công ty nhà nước.

 

Công việc của tôi khi đó khó khăn lắm, một mặt vì thiếu người, thiếu dụng cụ lao động và đồng lương rất thấp, đã vậy còn không ít người coi thường… Nhưng khổ nhất là khi đi làm ca đêm, chị em chúng tôi nhiều lần gặp bọn say xỉn kiếm chuyện hoặc cả đám thanh niên tổ chức đua xe… Khi gặp các chuyện này chị em chỉ biết nhanh chân chạy đến nhà dân xin tá túc”.

 

“Đã có lao động thì không có nghề nào thấp hèn”
Ngày ra Phú Quốc, vợ chồng chị Hoa chỉ với đôi bàn tay trắng và chị xin làm công nhân quét rác từ đó cho đến nay

 

Theo chị Hoa, cuộc sống gia đình khó khăn nhất là lúc đứa con thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 lần lượt chào đời. Lúc này, công ty chồng chị giải thể, chồng chị phải đi phụ tàu chở hàng vài ngày mới về một lần; đồng lương quét rác của chị khi đó chỉ vỏn vẹn 400.000 đồng/tháng. Bởi vậy để có tiền lo cho 3 đứa con, chị phải đi phụ rửa bát ở trường học vào những ngày chị làm ca đêm. Tuy nhiên, theo chị Hoa khổ nhất là việc phải dọn nhà liên tục, vì mỗi lần chủ nhà tăng tiền thuê, vợ chồng, con cái phải phải đùm túm nhau tìm một căn nhà khác để ở. Nếu tính đến ngày chị có căn nhà mới vào năm 2003, chị cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần dọn nhà.

 

Nói về công việc học tập noi theo gương Bác Hồ tại cơ quan, chị Hoa cho biết: “Trong những lần sinh hoạt hàng thán, lãnh đạo công ty luôn =có những buổi kể chuyện về Bác Hồ. Trong nhiều câu chuyện kể về Bác, tôi tâm đắc nhất là câu chuyện Bác ra đi tìm đường cứu nước với đôi bàn tay trắng nhưng Bác đã làm nên điều vĩ đại cho đất nước, cho dân tộc. Còn với vợ chồng tôi những lúc khó khăn, cơ hàn, tôi luôn vận động gia đình, con cái noi theo tấm gương Bác là phải lao động, tiết kiệm và liêm chính rồi mọi việc sẽ qua”.

 

Trong căn nhà khang trang của mình, vợ chồng chị Hoa dành chỗ trang trọng nhất để treo ảnh Bác Hồ
Trong căn nhà khang trang của mình, vợ chồng chị Hoa dành chỗ trang trọng nhất để treo ảnh Bác Hồ

 

Thực tế, từ sự cần cù lao động, không ngại khổ của vợ chồng chị Hoa đến nay vợ chồng chị đã bắt đầu hưởng “trái ngọt” khi 3 đứa con đều khôn lớn, học giỏi và có căn nhà khang trang kiên cố để ở. Theo chị Hoa cho biết, đứa con gái cả của chị đang học ngành Công nghệ sinh học năm cuối trường Đại học Cần Thơ; đứa con gái thứ 2 đang học lớp 11 trường THPT Phú Quốc và 11 năm liền đều đạt học sinh giỏi. Riêng đứa con trai út Nguyễn Quốc Tuấn năm nay đang học lớp 5 trường Tiểu học Dương Đông I. Cháu Tuấn luôn ngoan hiền, học giỏi và mới đây cháu Tuấn tham gia cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, Tuấn đạt giải nhì cuộc thi cấp huyện.

 

Chia sẻ về người tổ trưởng có một tổ ấm hạnh phúc, chị Trịnh Thị Nguyên (43 tuổi) – thuộc tổ vệ sinh đường phố do chị Hoa quản lý - nói: “Chị em trong tổ có hơn 10 năm gắn bó với chị Hoa, ai nấy đều quý mến chị ở tính “chí công, vô tư”, chị không nghiêng về bên nào, công việc hàng ngày chị phân công rõ ràng. Chị em nào chưa hoàn thành, chị nhắc nhở, động viên. Đặc biệt, khi chị em nào ốm đau chị sẵn sàng làm thế, không ngại khó. Nhưng nói thật chị em chúng tôi nể phục ở chị nhất là có một gia đình hạnh phúc, các con chị đều ngoan hiền và học giỏi”.

 

Sự vất vả của chị trong suốt 18 năm qua giờ đã được đền đáp bằng những tấm giấy khen của 3 đứa con
Sự vất vả của chị trong suốt 18 năm qua giờ đã được đền đáp bằng những tấm giấy khen của 3 đứa con

 

Vừa lau bụi tấm di ảnh Bác Hồ, chị Hoa chia sẻ: “Tôi không chỉ học được ở Bác đức tính cần cù lao động mà còn nghe theo lời Bác là phải diệt giặc dốt nữa. Bởi vậy, dù gia đình khó khăn thế nào, tôi có thể nhịn ăn, không mua thêm quần áo, … nhưng nhất quyết không cho con cái bỏ học nửa chừng. Vì một thực tế, chúng ta thấy, Bác làm nên điều vĩ đại cho đất nước cũng từ sự học hành nghiêm túc. Còn vợ chồng tôi cũng vì sự học dở dang nên phải lao động vất vả. Do vậy, vợ chồng tôi chẳng muốn con cái mình phải khổ cực như đời bố mẹ chúng nó và tôi cũng hay động viên chị em trong tổ cố gắng cho con ăn học đàng hoàng”.

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Trưởng Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc nhận xét về chị Hoa: “Với tính tình hòa đồng, chịu khó và có trách nhiệm với công việc nên chị Hoa rất được lãnh đạo đánh giá cao và đồng nghiệp quý mến. Dù công việc “tầm thường” nhưng với ý chí vươn lên, chịu khó trong lao động, giờ đây chị Hoa có gia đình hạnh phúc, nhất là việc các con chị đều ngoan hiền học giỏi. Có thể nói, chị Hoa là một người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”, xứng đáng được lãnh đạo huyện tặng bằng khen chiến sĩ thi đua trong năm 2014”.

 

Nguyễn Hành

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *