Doanh Nhân 06/02/2014 09:01

Triệu phú nơi biên viễn

Từ 2 bàn tay trắng, chàng thanh niên A Mé dám nghĩ dám làm, đã trở thành triệu phú trên vùng đất khó Huổi Luông

Đến Huổi Luông - một xã miền biên viễn thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, điều dễ nhận thấy nhất là sự đói nghèo vẫn còn hiển hiện trên từng nếp nhà nơi đây. Ấy vậy mà ở chính cái vùng đất đầy gian khó này lại đang có một chàng trai người Hà Nhì thực hiện được giấc mơ triệu phú là Giàng A Mé, sinh năm 1987, Trưởng bản Pô Tô.

Làm giàu trên vùng đất khó

Nhà A Mé nằm cạnh trung tâm xã Huổi Luông. Đây là ngôi nhà xây hiếm hoi ở miền biên viễn này. Hôm chúng tôi đến, A Mé cũng đang tất bật hướng dẫn đám thợ đóng gạch rồi lái ô tô chở hàng sang bên kia biên giới.

Anh A Mé giờ đã có 3 chiếc xe tải

A Mé năm nay chưa đến 30 tuổi, thân hình quắc thước, rắn rỏi. Tuy còn trẻ tuổi nhưng anh cắt cử công việc đâu ra đấy. Từ lúc gặp chúng tôi, A Mé luôn tay, luôn chân, cả cái đầu cũng không được nghỉ. Vừa pha trà mời khách, A Mé vừa hồ hởi khoe: “Khách hàng gọi suốt, có khi tôi phải mua thêm một chiếc ô tô tải nữa”. Hóa ra mấy chiếc xe tải đỗ trước nhà đều là của A Mé. Có được khối tài sản lớn đó, A Mé đã lập nghiệp bằng đôi bàn tay trắng.

Bản Pô Tô chỉ cách biên giới với Trung Quốc một đoạn đường. Hàng ngày dân hai bên vẫn thường trao đổi hàng hóa. Qua những lần tiếp xúc với người dân bên kia biên giới, A Mé biết bên đó có nhu cầu tiêu thụ chuối rất lớn, trong khi đất đai của bản lại để không. Về bản, A Mé đã vận động bà con tham gia trồng chuối để xuất khẩu.

Thời gian đầu, bà con còn chần chừ chưa hiểu hết ích lợi của việc trồng chuối bán. Một mình A Mé phá vườn hoang, trồng từng bụi chuối. Suốt cả 1 năm trời, mồ hôi A Mé đã thấm đến từng gốc chuối. Đất không phụ công người, sau 2 năm trồng chuối, vụ thu hoạch đầu tiên, A Mé đã có hàng trăm triệu đồng. Thành công này nằm ngoài mong đợi của A Mé. Cứ như thế sau mỗi năm, thu nhập ngày càng tăng cao.

Có lưng vốn, A Mé đi học lái ô tô. A Mé tâm sự: “Học lái xe là một quyết định đúng đắn. Ra khỏi bản làng tới thị xã, tôi được mở rộng tầm mắt, học được nhiều điều quý giá về cách tiếp cận trong cuộc sống, đặc biệt là kinh nghiệm về làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người Kinh”. Khi có bằng lái xe ô tô, A Mé liền vay thêm tiền mua ô tô tải vừa để phục vụ việc buôn bán của nhà và chở thuê nguyên vật liệu cho bà con.

Mấy năm gần đây, đường sá bắt đầu được mở về các bản. Đời sống của bà con cũng được nâng lên, theo đó nhu cầu xây dựng cũng tăng dần. 1 chiếc xe ô tô tải của A Mé “làm” không hết việc. A Mé tiếp tục vay vốn ngân hàng mua thêm 2 chiếc nữa. Thế là tổng cộng A Mé có tới 3 xe ô tô. Khỏi phải nói việc làm của A Mé đã mang lại hiệu quả đến nhường nào.

Có ô tô vào bản, đôi vai của bà con đã được giải phóng. Giá ngô, giá chuối, lâm thổ sản tăng lên nhiều lần. Con đường thương mại thông thương, đời sống của bà con cũng thay đổi từng ngày. Điều mà A Mé mừng nhất là tư duy sản xuất của bà con đã thay đổi, từ việc chỉ làm để phục vụ mình, giờ bà con đã biết chuyển sang sản xuất hàng hóa.

Năm 2010, A Mé sắm chiếc máy ép gạch để tự sản xuất gạch cho nhiều công trình xây dựng. A Mé không chỉ là người có công mở con đường “thương mại” lên xã, trong việc trồng cây gây rừng, A Mé cũng luôn là người đi tiên phong. Cách đây khoảng chục năm, chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được huyện Phong Thổ triển khai về xã. Bà con được Nhà nước cấp giống thông miễn phí. Ấy vậy mà chẳng ai chịu đi trồng, đất đai để cho cỏ mọc. Tiếc của, A Mé lại đi gom từng gốc thông giống về trồng. Cứ lúc nào rảnh là A Mé ra đồi cuốc đất trồng cây bất kể nắng mưa. Thấy anh làm cái việc “chở củi về rừng” này, nhiều người còn bảo, A Mé thừa công, rừng ở Huổi Luông còn ngút ngàn đấy đã phá hết đâu. A Mé lại nghĩ khác, làm nương chỉ ăn được 1 vụ, nếu trồng rừng, con cháu sau này vẫn được hưởng.

Sau vài năm, rừng thông của A Mé đã bắt đầu khép tán. Chẳng mấy chốc, A Mé đã trồng được 5ha rừng. Có rừng A Mé còn nuôi bò, trâu và có củi đun cả năm không hết. “Mình sinh ra và lớn lên ở miền rừng, mỗi khi nhìn thấy những trảng cỏ gianh phủ kín đất đồi, mình thấy có lỗi. Trong khi đó, nhân lực của bản có thừa. Vừa rồi thương lái của Trung Quốc đã sang gặp mình đặt vấn đề thu mua nhựa thông. Mình chưa muốn bán vì để cho rừng thông lớn thêm vài năm nữa đã”. Khi A Mé được bầu làm trưởng bản, anh đã đến từng nhà động viên bà con tham gia trồng rừng, không để đất bỏ hoang. Lúc đầu chỉ một vài gia đình tham gia, nhưng khi thấy rừng thông của A Mé đã mang lại hiệu quả, bà con mới tham gia nhiều hơn.

Chàng trai người Hà Nhì này chưa bao giờ cho chân tay mình được nghỉ ngơi và luôn nhanh nhạy trong việc đưa giống cây mới về trồng. Khi tỉnh Lai Châu phát động trồng cây cao su, A Mé cũng tham gia nhiệt tình. Một mình gia đình anh đăng ký trồng 2ha.

Sau 6 năm, đồi cao su đã phủ kín cả một góc rừng. Nói về rừng cây cao su của mình, giọng A Mé như reo: “Các hộ dân ở xã Ma Ly Pho đã khai thác mủ cao su. Bước đầu mỗi hécta mang lại 200 triệu đồng. 1 năm nữa rừng cao su của A Mé bắt đầu khai thác được. Giờ thì bà con đều hăng hái tham gia trồng cây cao su rồi. Lần sau nhà báo trở lại đây sẽ thấy diện mạo của bản Pô Tô khác rồi. Bà con có thể sống và làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.

Hiến đất làm trường học

Giàng A Mé sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh em. Mé là con thứ 2, cuộc sống túng thiếu nên Mé nghỉ học giữa chừng vào năm lớp 9. Tuổi thơ của A Mé gắn liền với những tháng ngày đói quay đói quắt. Khi còn tuổi đi học, A Mé cũng muốn học tốt cái chữ để sau này về phục vụ bản làng. Cái ước mơ đó của A Mé bị đứt gánh giữa đường, vì nhà quá hoàn cảnh nên A Mé nghỉ học sớm ở nhà giúp bố mẹ để cho anh trai đi học. Giờ đây anh trai của A Mé cũng là thầy giáo rồi. Riêng A Mé ở lại bản, khi đó người dân ở đây 1 năm chỉ làm 1 mùa rẫy, mùa nương rồi chơi dài dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo. A Mé nghĩ, đất đai, nương rẫy của bản rộng mênh mông, tại sao mình không bắt đầu kế thoát nghèo từ chính đất đai của mình?!

Mình không được học cái chữ cho đủ đầy nên A Mé luôn động viên lớp con cháu trong bản phải cố gắng học lấy cái chữ. Con đường xóa đói, giảm nghèo nhanh nhất là phải xóa mù chữ. Đó cũng là quan điểm của A Mé trong mỗi lần họp bản, họp dân. 6 năm trước, khi chủ trương làm trường nội trú cho các cháu học sinh được triển khai thì ở bản Pô Tô lại thiếu đất để xây trường. A Mé đã không ngần ngại hiến 2.000m2 đất bằng của gia đình cho trường.

“Đời mình chữ nghĩa bị đứt gánh đã vô cùng thiệt thòi rồi, giờ không thể vì thiếu tí đất xây trường mà nhiều học sinh bị ảnh hưởng. Giờ trên khu đất của nhà A Mé tặng cho bản đã có một ngôi trường nội trú khang trang mọc lên rồi”, A Mé tự hào khoe./.

Cùng với nghề lái xe cơ giới, đúc gạch xi măng, hiện Giàng A Mé có 7.000 gốc chuối, 5ha rừng thông, 2.000 cây cao su... Mỗi năm từ các nguồn thu trên, Mé bỏ túi vài trăm triệu đồng. Cơ sở sản xuất gạch của A Mé tạo việc làm cho 15 nhân công.
 
 
Theo Xuân Tuấn
VOV
Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *