Doanh Nhân 04/01/2018 08:16

Ông Phạm Nhật Vượng không màng máy bay riêng; bầu Hiển từng mơ làm viện sĩ

“Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được” – đây là một trong những chia sẻ đáng chú ý của vị tỷ phú số 1 Việt Nam dịp đầu năm mới.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup.

Ông Phạm Nhật Vượng: “Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài”

Những câu chuyện doanh nhân, đôi dòng sẻ chia, tâm sự đầu năm của các doanh nhân lớn luôn là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhất là khi, có những người mà tên tuổi họ “phủ sóng” tầm quốc tế nhưng lại rất ít khi xuất hiện trên truyền thông. Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup là một trường hợp như vậy.

Chỉ cách đây vài năm, giới phóng viên kinh tế ngay cả muốn có được một tấm ảnh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng rất hiếm hoi. Tuy nhiên, đầu năm nay, ông Vượng xuất hiện đầy bất ngờ trong bài một bài phỏng vấn và lôi cuốn người đọc bởi cách nói chuyện dí dỏm, đầy súc tích, toát lên phong thái của một tỷ phú hàng đầu.

Bên cạnh những triết lý về kinh doanh, ông Vượng cũng thẳng thắn cho biết, “không quan tâm” đến chuyện mình đã lọt vào Top 500 người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn mà chỉ quan tâm đến việc bản thân “làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”.

Với khối tài sản lên tới 4,3 tỷ USD, song khi đề cập đến việc “tự thưởng cho mình món quà”, ông Vượng thẳng thắn “chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó” vì “không có gì nhiều, cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ đều có rồi”.

Ngay cả như việc mua máy bay riêng, ông Vượng cũng cho biết, “không đi đâu mấy” nên “mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì”. Bởi, quan điểm của ông, cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Mua máy bay phải trở thành dịch vụ chứ không thể lãng phí mua rồi bỏ đó.

“Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”, vị tỷ phú số 1 Việt Nam nói trên Thanh niên ngày 2/1.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup đang có diễn biến tích cực với mức tăng giá 1,2% vào phiên hôm qua và sáng nay (3/1) tiếp tục tăng 4,9% lên 82.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, đưa vốn hoá thị trường của Vingroup đạt trên 206.000 tỷ đồng.

Bầu Hiển sẽ rời ghế Chủ tịch T&T để tập trung quản lý SHB.
Bầu Hiển sẽ rời ghế Chủ tịch T&T để tập trung quản lý SHB.

Bầu Hiển từng bị coi là “Chúa chổm”

Trong những ngày cuối năm 2017, mặc dù bận rộn song ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB vẫn dành nguyên nửa ngày cho báo giới để chia sẻ “bộc bạch tâm can” về cuộc sống và sự nghiệp.

Mặc dù đang là một doanh nhân thành đạt, song ông Hiển cho hay, bản thân ông khi còn là học sinh đã từng luôn ước mơ sau này trở thành giáo sư, viện sĩ. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa vật lý – ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông Hiển từng về công tác tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia, được đi nhiều nước. Đến năm 1993, ông mới bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông.

Tuy nhiên, kể từ năm 1995-1998 thì công việc kinh doanh của ông rơi vào khủng hoảng, do sản phẩm không thể cạnh tranh được với hàng trốn thuế, lách thuế. Nợ thuế của T&T thời điểm đó lên tới 7 tỷ đồng, một khoản tiền vô cùng lớn lúc bây giờ và bản thân ông Hiển có lần lên trang nhất một tờ báo với tựa đề: Chúa chổm!

Ông Hiển cũng chia sẻ về những giai đoạn thăng trầm với T&T và SHB. Tuy nhiên, tới đây, ông Đỗ Quang Hiển sẽ rời ghế Chủ tịch Tập đoàn T&T để tập trung quản lý ngân hàng SHB theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 yêu cầu Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác. Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty sân sau, nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích.

Cổ phiếu SHB đang có chuỗi tăng giá ấn tượng. Hiện mức giá của SHB là 9.800 đồng/cổ phiếu, chưa giảm điểm phiên nào trong suốt hơn 1 tuần qua.

Bích Diệp (tổng hợp)

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *